Nhiều lỗ hổng pháp lý trong kiểm soát ô nhiễm không khí

ThienNhien.Net – Ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam đang là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp… Tuy nhiên, những quy định pháp lý về kiểm soát ô nhiễm không khí còn nhiều bất cập và thiếu sót.

Ô nhiễm nặng nề

Theo dữ liệu quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường, trong 3 tháng đầu năm 2017, nồng độ bụi trong 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều ở mức cao. Hà Nội có 37 ngày có nồng độ bụi PM 2.5 trong 24 giờ cao hơn giới hạn Quy chuẩn quốc gia và 78 ngày vượt quá giới hạn theo quy chuẩn WHO. Thậm chí có những ngày, nồng độ bụi PM 2.5 vượt quá gần 5 lần Quy chuẩn Quốc gia và gấp 10 lần theo hướng dẫn của WHO.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, trong 3 tháng đầu năm 2017, nồng độ trung bình PM 2.5 thấp hơn ở Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn có đến 78 ngày cao hơn so với tiêu chuẩn của WHO. Mặc dù chất lượng không khí ở thành phố Hồ Chí Minh tốt hơn ở Hà Nội, nhưng so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí ở TP Hồ Chí Minh có xu hướng kém đi. So với năm 2016, trong quý I năm 2017, số giờ có chỉ số AQI ở mức “có hại cho sức khỏe” hơn gấp 15 lần so với quý I năm 2016.

Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nghiêm trọng đối với nước ta hiện nay. Tổ chức Y tế thế giới (WTO) liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, có tới hơn 50% số ngày trong năm là có chất lượng không khí kém, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới.

Ô nhiễm môi trường không khí có tác động xấu đối với sức khỏe con người, đặc biệt là gây ra các bệnh đường hô hấp, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và biến đổi khí hậu (hiệu ứng nhà kính, mưa axít và suy giảm tầng ozone)… Công nghiệp hóa càng mạnh, đô thị hóa càng phát triển thì nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí càng nhiều, áp lực làm biến đổi chất lượng không khí theo chiều hướng xấu càng lớn, yêu cầu bảo vệ môi trường không khí càng quan trọng.

Cần có Luật không khí sạch

Theo ông Lê Hoài Nam, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng Cục Môi trương (Bộ TN&MT), nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực tế ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng là do hành lang pháp lý mặc dù đã được xây dựng nhưng chưa đồng bộ và không đáp ứng kịp thời xu hướng phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí. Trong đó, các quy định đặc thù về kiểm soát ô nhiễm không khí còn thiếu; với các văn bản hiện hành tính cưỡng chế, tuân thủ chưa cao. Đặc biệt, chưa có quy định về giám sát quá trình xử lý khí thải của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, chưa triển khai hệ thống giấy phép khí thải…Hơn nữa, chưa có kế hoạch quản lý chất lượng không khí ở cấp trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu những quy chuẩn đặc thù cho một số ngành và tồn tại một số vấn đề chưa phù hợp với tình hình thực tế. Tính hiệu quả, hiệu lực thực thi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về không khí chưa cao.

Mặc khác, chủ thể phát thải ô nhiễm không khí trong quyền quản lý của nhiều Bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, chức năng, trách nhiệm quản lý, cơ chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với các Bộ này trong việc quản lý môi trường không khí chưa được quy định cụ thể.

Ông Nam cho biết thêm, năm 2007, Bộ TN&MT đã tiến hành xây dựng Báo cáo môi trường Quốc gia – Môi trường không khí đô thị Việt nam; trong đó đưa ra kiến nghị xây dựng Luật để bảo vệ môi trường không khí, nhưng đến nay vẫn dừng lại ở mức độ kiến nghị, khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm thực tế…

Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, phần quy định về môi trường không khí rất ít. Do vậy, cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường; cụ thể xây dựng Bộ Luật trong đó có Luật Không khí sạch để kiểm soát chất lượng không khí tốt hơn. Khi có Luật Không khí sạch, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào thải ra nhiều khí thải phải trả tiền để khôi phục, làm sạch không khí; Các Bộ, ngành cũng có kế hoạch quản lý không khí tốt hơn.

Cùng quan điểm, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, kiểm soát ô nhiễm không khí không giống như kiểm soát các loại chất thải rắn mà còn có các loại nguồn xuyên biên giới. Vì vậy, trước khi có quy định cụ thể Luật về bảo vệ không khí, từ bây giờ phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới. Luật Quốc tế đã có các công ước, điều ước về kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới; cần lưu ý đến cam kết giữa các quốc gia làm sao để đảm bảo xử lý lan tỏa ô nhiễm không khí từ các nước khác sang nước ta. Ngoài ra, phải làm rõ việc phân cấp của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng như các bộ ngành trong việc thực hiện quyền quản lý và xử lý nguồn xả thải.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng nằm trong cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí nặng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Theo thống kê của WHO, hàng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu trẻ em tử vong do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp, trong đó 60% liên quan đến ô nhiễm không khí.