Rác sinh ra tiền!

Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký với Công ty TNHH KM Green (Hàn Quốc) hợp đồng về khai thác nguồn khí thải tại bãi rác Đông Thạnh (Hoóc Môn) và Phước Hiệp 1 (Củ Chi). Theo hợp đồng này, số tiền dự kiến thu được sẽ là trên 20 triệu
Theo hợp đồng, số tiền này do Công ty KM Green trả cho TPHCM trong vòng 7 năm để khai thác nguồn khí thải từ bãi rác Đông Thạnh (Hoóc Môn) và Phước Hiệp 1 (Củ Chi). Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam thực hiện theo cam kết tại Nghị định thư Kyoto về giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Việc buôn bán khí thải nói trên là một trong ba cơ chế mà Nghị định thư Kyoto đưa ra nhằm thực hiện giảm phát thải toàn cầu với chi phí thấp nhất, gọi là cơ chế buôn bán phát thải.

Cơ chế này cho phép các nước phát triển “mua” lại chứng chỉ giảm phát thải từ các nước đang phát triển. Phía các nước đang phát triển sẽ dùng số vốn này để đầu tư cải tạo công nghệ lạc hậu nhằm giảm lượng khí phát thải. Kết quả là lượng phát thải toàn cầu giảm đi.

Phía Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, cuối tháng 1/2007, Công ty KM Green sẽ đưa chuyên gia sang thiết kế, lập dự án và đầu tư các hạng mục phủ kín các bãi rác, sau đó lắp đặt hệ thống thu gom khí thải, dùng làm nhiên liệu để phát điện. Điều này đồng nghĩa với việc giảm được một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính phát thải vào môi trường. Không những thế, khi hệ thống thu gom khí thải đi vào hoạt động sẽ giúp quá trình phân hủy rác nhanh hơn.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm, rác chôn bình thường phải mất chừng 10 năm mới phân hủy được 50%, nhưng khi có hệ thống thu gom khí thải từ bãi rác, thời gian phân hủy còn chừng 6 đến 7 năm. Hơn nữa, khi đó quá trình giải phóng rác sẽ thuận tiện hơn, đây là tín hiệu tốt trong quản lý và xử lý chất thải.

Tính ra, thực hiện dự án này còn lợi nhiều hơn so với xây dựng nhà máy đốt rác. Ông Chiến đưa ra ví dụ, phải đầu tư từ 100 đến 150 triệu USD cho một nhà máy đốt rác với công suất đốt 1.000 tấn/ngày đêm thì cũng chỉ đốt được 1/3 lượng rác của thành phố…

Khi dự án CDM đi vào hoạt động, TPHCM sẽ được hưởng 40% trên tổng doanh số thu được từ dự án. Theo thỏa thuận giữa các đối tác trong dự án CDM, giá bán 1 CER (tương đương 1 tấn CO2 quy đổi) là 14USD. Cho nên theo tính toán trong giai đoạn 2008-2012, tại hai bãi rác trên sẽ thu được khoảng 4 triệu tấn CO2 (ở dạng quy đổi tương đương), thì tổng doanh thu của dự án khoảng 56 triệu USD.

TPHCM được hưởng 40% trong số này, tương đương nguồn thu khoảng 22,4 triệu USD. Khi thời gian hợp đồng với Công ty TNHH KM Green kết thúc, phía đối tác sẽ chuyển giao công nghệ lại để TP khai thác nguồn khí thải.