PES vì người nghèo ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Trong mười năm gần đây, Chi trả các Dịch vụ Môi trường (PES) ngày càng được chú ý nhiều hơn tại Việt Nam. Tuy được thiết kế ban đầu không nhằm mục tiêu chính là xóa đói giảm nghèo nhưng PES vẫn luôn được mong đợi sẽ tác động tích cực tới lĩnh vực này bởi hầu hết những người cung cấp dịch vụ môi trường ở các vùng nhiệt đới là người nghèo. ThienNhien.Net xin giới thiệu với bạn đọc nội dung tóm lược từ nghiên cứu chính sách "PES vì người nghèo ở Việt Nam" do CIFOR, ICRAF và ĐH Charles Darwin phối hợp thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ MacArthur.

PES là gì?

Hai nguyên tắc cơ bản của Chi trả các dịch vụ Môi trường (PES) là tạo ra các động lực tài chính hiệu quả nhằm thúc đẩy người dân (cả cá nhân và cộng đồng) cung cấp các dịch vụ môi trường (ES), và chi trả các chi phí cung cấp các dịch vụ của họ.

Mọi người thường cho rằng, bất kỳ hình thức chi trả cho bảo vệ môi trường đều là PES. Song PES có những đặc trưng riêng. Một mô hình PES thực sự cần phải đạt được đồng thời 5 tiêu chí, bao gồm: Tự nguyện trong giao dịch; Các dịch vụ môi trường được xác định rõ; “Được mua” bởi (ít nhất) một người mua; Có (ít nhất) một người cung cấp dịch vụ môi trường; Nếu người cung cấp thực sự cung cấp ES (tính điều kiện). Ngay cả Thuế môi trường cũng không phải là PES, nó là ranh giới giữa PES và các công cụ tài chính về môi trường.

Tại Việt Nam, cho tới nay có rất ít các mô hình có thể được gọi là PES đúng nghĩa, bởi nếu một mô hình chỉ đáp ứng một vài trong 5 tiêu chí trên thì đó là mô hình gần giống PES. Chẳng hạn, Chương trình 5 triệu hec-ta rừng (chương trình 661), trong trường hợp này người mua là nhà nước, còn người bán là các hộ và các cộng đồng. Tuy nhiên, ở đây các dịch vụ môi trường chưa được xác định rõ. Nhà nước trả tiền cho các hộ dân để bảo vệ rừng nói chung chứ không cụ thể cho loại dịch vụ môi trường nào cả. Ngoài ra, tính điều kiện cho việc chi trả giữa người mua và người bán cũng không rõ ràng.

PES vì người nghèo?

Đói nghèo cần được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau. PES vì người nghèo có thể được nhìn dưới lăng kính của khung sinh kế bền vững vốn chú trọng và cân nhắc tới nhiều khía cạnh bao gồm tài sản con người, xã hội/chính trị, vật chất, tự nhiên và tài chính. Tức là mọi tác động nhằm thúc đẩy và hỗ trợ người nghèo tham gia và hưởng lợi từ PES.

Tuy nhiên, có nhiều nhân tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng đến sự thành công của PES như “sự sẵn sàng chi trả của người sử dụng dịch vụ”, “mật độ người mua” …Và các rào cản có thể được dỡ bỏ và các cơ hội cho người nghèo được tạo ra nhờ có các bên trung gian, Chính phủ và chính quyền địa phương.

Phần lớn số người cung cấp dịch vụ môi trường (ES) ở Việt Nam là người nghèo. PES có thể đem lợi ích đến cho người nghèo cả trực tiếp hoặc gián tiếp. Các lợi ích trực tiếp bao gồm những chi trả bằng tiền mặt để giúp người cung cấp ES nghèo nâng cao năng lực tài chính của họ. Trong khi đó, các lợi ích gián tiếp là phi tiền tệ, ví như hỗ trợ người nghèo có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các tiến trình đàm phán hợp đồng, giảm các mâu thuẫn xã hội hoặc các kỹ năng tiên tiến.

 PES
Khung phân tích PES vì người nghèo.

PES gần đây ngày càng nhận được nhiều sự chú ý từ Chính phủ Việt Nam. PES vì người nghèo có cơ hội thuận lợi để phát triển dựa trên những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với Chương trình nghị sự 21 toàn cầu và sự thừa nhận PES trong các chiến lược và văn bản pháp quy về môi trường (ví dụ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Bảo vệ Môi trường, Chiến lược Lâm nghiệp của quốc gia Việt Nam).

Những thách thức đối với PES vì người nghèo ở Việt Nam

Giống như việc thực thi Luật pháp ở nhiều lĩnh vực, việc triển khai PES cũng gặp nhiều khó khăn. Sự dàn trải và chồng chéo trong tổ chức và phân công chức năng giữa và trong các bộ làm tăng chi phí giao dịch. Các quy định cụ thể về PES còn thiếu, các chính sách về PES đều đang ở những bước rất sơ khai tại Việt Nam. Chính phủ mới chỉ nhìn nhận PES qua lăng kính thuế và phí, và mới chỉ quản lý PES qua thu các loại phí môi trường. Vẫn thiếu các quy định liên quan đến PES đối với bảo vệ nguồn nước và vẻ đẹp cảnh quan ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự tham gia của người nghèo chưa nhiều và chi trả cho xóa đói giảm nghèo của PES còn thấp: mức chi trả trên héc-ta thấp và diện tích rừng giao cho người nghèo quản lý nhỏ, không đủ để giảm đói nghèo. Nhiều người dân không có quyền sử dụng đất, quyền này hầu như tập trung trong tay người giàu.

Sự hiểu biết phổ thông về các vấn đề môi trường và PES còn hạn chế. Thiếu các nguồn khuyến khích về tài chính để cổ vũ cộng đồng thực hiện PES. Sự ra đời của Quỹ Bảo vệ Môi trường VN và Quỹ Phát triển và Bảo vệ rừng là những nguồn tài chính tiềm năng trong tương lai có thể hỗ trợ cộng đồng thực hiện PES.


Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) và Tổ chức Nông lâm Thế giới (ICRAF) là các cơ quan đã làm việc trong nhiều năm trong lĩnh vực PES, đặc biệt chú trọng đến khả năng của PES trong xóa đói giảm nghèo. Để có thêm thông tin và hỗ trợ liên quan tới PES và PES vì người nghèo, bạn đọc có thể tham khảo tại các trang web cifor.cgiar.org hoặc worldagrofrestry.org