Vụ cá nục nhiễm phenol: Chuyên gia về công nghệ thực phẩm lên tiếng

ThienNhien.Net – Trước những ý kiến trái chiều về việc chất độc phenol bị nhiễm trong mẫu cá nục đại diện cho lô hàng 30 tấn cá nục ở cơ sở đông lạnh Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm – ĐH Bách Khoa Hà Nội) đã chia sẻ ý kiến của ông về vấn đề này.

PGS Nguyễn Duy Thịnh
PGS Nguyễn Duy Thịnh

Mẫu cá nhiễm phenol với hàm lượng 0,037mg/kg được phát hiện ở Quảng Trị, theo ông?

– Phenol là chất độc nhưng mức độ ảnh hưởng đến cơ thể thế nào còn phụ thuộc vào nồng độ hấp thụ. Nếu ăn phải thức ăn nhiễm phenol, khi vào cơ thể nó sẽ được bài tiết một phần qua da, nước tiểu. Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại.

Đã là chất độc, chất cấm thì dĩ nhiên là nó độc rồi, dù ít hay nhiều, nhưng với hàm lượng 0,037mg/kg thì nó không quá nguy hại. Nhiều phương tiện nói chất cực độc là không đúng, nhiều chất cực độc hít phải có thể tử vong ngay nên trường hợp này gọi đúng thì phải gọi là chất cấm.

Theo ông, cá nục tại Quảng Trị nhiễm phenol là do đâu?

– Có thể do 2 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là có thể do nguồn nước biển ô nhiễm, trong trường hợp ô nhiễm đặc biệt khiến cá bị nhiễm phenol. Đây không phải lỗi người dân, vì người đánh bắt cá bình thường không thể phát hiện cá có nhiễm phenol hay không. Theo tôi, trường hợp này không nhất thiết phải tiêu huỷ vì 30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi hành động đó làm ảnh hưởng đến cả cơ nghiệp của người dân. Hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên. Để cá không bị nát, có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Sau đó kiểm tra lại nồng độ phenol 1 lần nữa trước khi cấp đông trở lại.

Nguyên nhân thứ hai có thể do người dân cố tình đưa phenol vào cá để bảo quản vì phenol có khả năng khử trùng. Nếu là trường hợp này phải xử nghiêm vì vi phạm pháp luật. Nếu cố tình lấy cá chết mang về bảo quản bằng phenol thì cá đó còn bị nhiễm độc kép do bản thân con cá đã chứa độc tố trong quá trình bị vi sinh vật phân huỷ, giờ lại thêm phenol thì cá này buộc phải tiêu huỷ.

Nếu mua phải cá nhiễm phenol, có cách nào loại bỏ phenol không, thưa PGS?

– Do phenol dễ tan trong nước, nếu gia đình nào cẩn thận thì khi mua cá về nên để rã đông tự nhiên, sau đó ngâm và rửa dưới nước sạch, nước ấm nhiều lần, nếu có phenol sẽ tan ra. Đặc biệt ăn cá biển nên bỏ phần da, các mô xốp như ruột, mang cá…

Chi cục ATTP Quảng Trị nói là rất độc, nhưng Cục ATTP – Bộ Y tế mới đây lại nói là không ảnh hưởng sức khỏe. Vậy theo PGS, người dân nên tin vào đâu?

– Trong trường hợp này, tôi phải nói là cấp trên luôn đúng.

– Xin cảm ơn PGS!

Vụ 30 tấn cá nục nhiễm phenol ở Quảng Trị: Cơ quan trung ương cần đưa ra quy chuẩn chung về phenol để có hướng xử lýChiều 14.6, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức họp với các ban ngành, nội dung liên quan đến vụ 30 tấn cá nục bị nhiễm chất độc phenol tại kho đông lạnh Dũng Thuộc (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị). Tại buổi họp này, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh – giữ nguyên quan điểm về chất phenol tồn tại trong mẫu cá nục có hàm lượng 0,037mg/kg là độc. Buổi họp đi đến thống nhất rằng lô hàng trước đó chủ cơ sở Dũng Thuộc khai 30 tấn chính xác chỉ có 20,5 tấn, lô hàng cũng không phải thu mua một thời điểm, mà mỗi lần thu mua một ít (9 lô khác nhau). Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị – nói rằng, việc niêm phong lô hàng và lấy thêm mẫu gửi đi kiểm tra là cần thiết. Ông Đồng kiến nghị các cơ quan trung ương cần đưa ra quy chuẩn chung về phenol trong thực phẩm để có hướng xử lý đối với lô hàng cá nục nhiễm phenol. Được biết, các mẫu cá được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị gửi đi xét nghiệm thêm đến khoảng 17.6 là có kết quả.