Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Sẵn sàng cho năm APEC 2017

ThienNhien.Net – “Việt Nam đã có thế và lực mới. Về đối ngoại, chúng ta đã tạo dựng được mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đủ vững bền để ổn định vị thế quốc tế của đất nước trước các biến động của tình hình thế giới” – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh) cho biết khi trả lời phỏng vấn NTNN nhân dịp năm mới 2017.

2016 – năm khó lường

Thưa Phó Thủ tướng, ông đánh giá như thế nào về tình hình khu vực, thế giới trong năm qua?

– Nói một cách ngắn gọn năm 2016 là một năm bất ổn và khó lường. Xu hướng chung của thế giới và khu vực vẫn là mong muốn hòa bình và đóng góp để tạo dựng được hòa bình dù dưới góc độ này hoặc góc độ khác.

Năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 32 tỷ USD. Ảnh: T.L
2016 cũng là năm các nước ASEAN đưa ra tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao (AMM 49) tại Lào, khẳng định lo ngại về tình hình ở Biển Đông trong đó có vấn đề bồi đắp đảo, đồng thời cũng ra được tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), khẳng định tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý.

Năm 2016 đã khép lại với những diễn biến phức tạp và khó lường hơn trong tình hình khu vực và quốc tế. Kinh tế thế giới bấp bênh, tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa gia tăng. Vụ Brexit (Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu) và những thay đổi chính trị ở nhiều nước diễn ra bất ngờ. Tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập đứng trước những thách thức mới. Cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều tới các nước vừa và nhỏ. Nhiều điểm nóng ở Trung Đông, Đông Á, Nam Á tiếp tục bế tắc, có lúc manh nha nguy cơ bùng nổ. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên vẫn quyết liệt trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, di cư, khủng bố… nổi lên gay gắt, đe dọa an ninh và ổn định của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Có những sự kiện mà có lẽ 10 năm trước chúng ta vẫn không thể đánh giá được nó sẽ xảy ra vào năm 2016, ví dụ như bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ sau gần 50 năm hay như thỏa thuận hòa bình lịch sử ở Colombia, những thể chế tồn tại rất lâu như EU đối mặt với hiện tượng Brexit, rồi những dòng trào lưu quay trở lại phát huy chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế…

Sẵn sàng cho chủ nhà APEC

 

Kinh tế Việt Nam 2017 sẽ tăng trưởng vững chắc

Cả Capital Economics và Credit Suisse đều cho rằng 2017 sẽ vẫn là năm mà kinh tế Việt Nam giữ được nền tảng vững chắc. Capital Economics dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 vào khoảng 7%. Credit Suisse cho rằng con số này là 6,2%. Trong báo cáo của cả ADB và WB, tốc độ năm 2017 cũng cao hơn, với 6,3%. Còn theo Forbes, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá ngày càng giống Trung Quốc, nhưng theo mặt tích cực hơn. Nhiều nhà kinh tế đã dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, do hưởng lợi từ ngành sản xuất phát triển nhiều năm qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh đã giúp VN-Index lên đỉnh.

Ngọc Trần

Xin Phó Thủ tướng cho biết điểm nổi bật trong hoạt động đối ngoại năm 2017 là gì?

– Bước sang năm 2017, tình hình thế giới và khu vực được dự báo là phức tạp và khó lường hơn trước. Nhiều nước sẽ tiến hành bầu cử, có những điều chỉnh nhất định về chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại. Điều đó sẽ tạo nên tác động nhiều chiều tới tình hình thế giới và khu vực, trong đó có những vấn đề gắn với an ninh và phát triển của nước ta như môi trường khu vực, vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông…

Chúng ta đứng trước những thách thức mới. Nhưng đất nước ta đã có thế và lực mới. Về đối ngoại, chúng ta đã tạo dựng được mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đủ vững bền để ổn định vị thế quốc tế của đất nước trước các biến động của tình hình. Điều cần có là đối ngoại phải tiếp tục nỗ lực gấp đôi với tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo hơn nữa.

Theo đó, hướng đối ngoại chính trong năm 2017 là đưa quan hệ đi vào chiều sâu, gia tăng mức độ đan xen lợi ích với các nước láng giềng chung biên giới là Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước lớn, các nước ASEAN; triển khai mạnh mẽ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; chủ động chuẩn bị để xử lý ổn thỏa các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các nước.

Hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của năm 2017 là hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà APEC và tranh thủ một cách hiệu quả hoạt động này để thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và một số đối tác quan trọng khác; biến các hoạt động đa phương, các hoạt động ngoại giao cấp cao thành cơ hội thực hiện các lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.

Biển Đông vẫn “nóng”

Thưa ông để đạt được mục tiêu đó, chúng ta đã có bước chuẩn bị gì?

Để làm được các điều đó, công tác đối ngoại năm 2017 phải hết sức quan tâm tới việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hết sức chú trọng việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các kênh đối ngoại, giữa ngoại giao với quốc phòng, an ninh.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với những nỗ lực đó, chúng ta tin rằng, đối ngoại sẽ làm tốt nhiệm vụ là người lính tiên phong trong thời bình, tiếp tục phụng sự trung thành và hiệu quả lợi ích quốc gia – dân tộc, cho dù tình hình có phức tạp, khó lường đến mức nào.

Phó Thủ tướng nhận định như thế nào về vấn đề Biển Đông thời gian tới?

– Tình hình Biển Đông trong năm 2016 vẫn có rất nhiều diễn biến phức tạp như các hoạt động bồi đắp, mở rộng các đảo đá từ đảo chìm trở thành đảo nổi, việc thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo đá.

Tháng 7.2016, Tòa trọng tài ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, trong đó có đưa ra những định nghĩa pháp lý, làm rõ yêu sách về chủ quyền Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Khi Tòa trọng tài ra phán quyết, chúng ta ngay lập tức đưa ra tuyên bố hoan nghênh việc này.

2016 cũng là năm các nước ASEAN đưa ra tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng ngoại giao (AMM 49) tại Lào, khẳng định lo ngại về tình hình ở Biển Đông trong đó có vấn đề bồi đắp đảo, đồng thời cũng ra được tuyên bố khẳng định lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), khẳng định tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý.

Tình hình Biển Đông sắp tới tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại đối với chúng ta. Biển Đông là tuyến đường biển hết sức quan trọng, bất kỳ động thái nào cũng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường ổn định ở đây. Quan điểm của Việt Nam vẫn là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!