Sức khỏe và công lý môi trường

ThienNhien.Net – Từ sự hoành hành của các đại dịch tả trong quá khứ cho đến tình trạng ô nhiễm khói bụi trong những năm gần đây, có thể thấy công cuộc phát triển đô thị, xuất phát từ những lợi ích kinh tế hẹp hòi, đang dần lộ rõ là mối nguy hiểm đe doạ sức khoẻ và hạnh phúc con người. Các cuộc cách mạng nhằm kiểm soát hệ thống vệ sinh và ô nhiễm trong quá khứ đã chứng minh rằng phong trào xã hội và cải tổ quản lý có thể xoay chuyển các vấn đề sức khỏe đô thị. Tuy nhiên, những vấn đề môi trường chưa bao giờ được giải quyết thực sự triệt để. Ngày nay, những vấn đề sức khỏe một lần nữa lại đặt ra yêu cầu về một cuộc thảo luận nghiêm túc về môi trường – nhưng lần này vấn đề cần được giải quyết tận gốc rễ và đem lại công bằng trên phạm vi toàn cầu. Nếu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lấy kinh tế làm trung tâm, thì cuộc cách mạng giải quyết sự thiếu công lý môi trường phải coi sức khoẻ là vấn đề then chốt.

Các cuộc cách mạng vì sức khoẻ cộng đồng

Ở thế kỉ 19, các yếu tố môi trường gây tổn hại sức khỏe đều đi kèm với quá trình đô thị hoá và tăng trưởng kinh tế. Tại Anh, nơi kinh tế đạt mức tăng trưởng nhanh nhất, có thể thấy rõ những bằng chứng cho thấy tỉ lệ tử vong gia tăng ở các khu đô thị tới tận khi triển khai các chiến dịch cải thiện điều kiện sống và làm việc. Cuộc cách mạng vệ sinh là trọng tâm của chiến dịch tiếp theo. Và cho đến cuối thế kỉ, sự phát triển của đô thị trở thành phương tiện để cải thiện sức khỏe cộng đồng, ít nhất là ở quy mô địa phương.

Đáng tiếc là cuộc cách mạng vệ sinh kia lại quan tâm rất ít đến việc ngăn chặn ô nhiễm môi trường xung quanh. Nước thải sinh hoạt theo đường cống chảy thẳng vào sông ngòi, gây ô nghiễm nước hạ lưu. Các ống khói tốt hơn cải thiện chất lượng không khí trong nhà, nhưng lại khiến không khí bên ngoài ô nhiễm nặng. Hơn thế, cuộc cách mạng này cũng chỉ giới hạn ở những quốc gia giàu. So với thời điểm cuộc cách mạng bắt đầu, số người ngày nay phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh còn lớn hơn.

Thế kỉ 20 cũng chứng kiến một cuộc cách mạng cải thiện ô nhiễm, song một lần nữa, nó cũng chỉ tập trung vào sức khoẻ của cư dân tại các nước giàu. Năm 1952, hiện tượng sương mù quang hóa đã giết chết khoảng 12 000 người tại Luân Đôn, một trong những thành phố giàu có nhất trên thế giới. Nó thúc đẩy sự ra đời của khoa dịch tễ học hiện đại. Từ đó, sức khoẻ đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong các điều luật về môi trường, và tại nhiều nước điều này vẫn được duy trì đến nay.

Không may là cuộc cách mạng vệ sinh không xem xét tới vấn đề ô nhiễm, và cuộc cách mạng ô nhiễm lại tiếp tục không chỉ ra được gánh nặng môi trường toàn cầu gây ra do đô thị hoá và tăng trưởng kinh tế. Biến đổi khí hậu, cùng với biến động giá dầu và lương thực dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới, đòi hỏi phải có cuộc cách mạng bền vững.

Các ý kiến lạc quan nhìn nhận thành công của các cuộc cánh mạng trong quá khứ như bằng chứng cho thấy sự thành công nối tiếp của cuộc cách mạng bền vững, có lẽ được tạo nên bởi chính sự tăng trưởng kinh tế. Trong khi những ý kiến bi quan lại coi các cuộc cách mạng trước đó chỉ là hão huyền: đơn thuần chỉ là việc dời gánh nặng môi trường sang một không gian và thời gian khác – từ gánh nặng địa phương giải quyết bằng cuộc cách mạng vệ sinh chuyển sang gánh nặng khu vực giải quyết bằng cuộc cách mạng chống ô nhiễm, rồi chuyển sang gánh nặng toàn cầu đang đặt ra thử thách mới về bền vững. Không còn nơi nào để gánh nặng toàn cầu có thể trút sang, nên sẽ không còn lựa chọn nào cho một cuộc dịch chuyển như vậy nữa. Hơn thế, vì “phát triển” đô thị không mang tính đồng bộ, một lượng lớn dân số thế giới đang phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, bị đe doạ bởi ô nhiễm đô thị, và nghiêm trọng hơn là biến đổi khí hậu.

Sự thật có thể nằm đâu đó giữa quan điểm của hai trường phái trên. Một cuộc cải cách mới là cần thiết, nhưng chúng ta đã có những bài học trong quá khứ, chúng ta hiểu rằng một cuộc cách mạng tương tự sẽ không có tác dụng. Thực tế, chỉ có sự bền vững về môi trường là không đủ. Những nguy cơ về môi trường cũng cần được phân bổ một cách công bằng hơn cho thế hệ hiện tại. Tóm lại cái chúng ta cần là một cuộc cách mạng về công lý môi trường, cho cả thế hệ hôm nay và tương lai.

Sức khoẻ và công lý môi trường

Do ưu thế của tư duy kinh tế trong các quan điểm chính trị hiện đại, có rất nhiều ý kiến đánh giá tính bền vững và công lý môi trường dưới góc độ kinh tế. Các nhà nghiên cứu chính sách luôn được khuyến cáo rằng cách tốt nhất khiến chính phủ lắng nghe là làm sao biến các mối quan tâm của họ thành tiền. Bản đánh giá của Stern về Kinh tế học thời Biến đổi khí hậu là một trường hợp như thế. Tuy vậy, khi xem xét vấn đề tại cuộc tranh luận chính trị, vấn đề sức khoẻ sẽ được lưu tâm hơn ít nhất vì hai điểm sau.

Thứ nhất, đánh giá kinh tế chỉ là phương tiện ban đầu để đánh giá sự thiếu công bằng về môi trường. Thứ hai, trong khi việc đánh giá chính xác những điểm thiếu công bằng về sức khoẻ có thể rất khó khăn, thì bản thân sức khoẻ đã chứng tỏ uy lực của nó trong việc thúc đẩy các hành động xã hội mang tính xây dựng. Lợi ích về kinh tế trong trường hợp này không có tỷ trọng.

Đánh giá kinh tế thường dựa trên giá cả mà thị trường quy định, hay nói cách khác, giá cả có thể được quy định nếu thị trường thực hiện tốt chức năng của mình. Những thách thức về môi trường thường nổi lên chính xác ở những nơi mà giá cả thị trường hay giá cả dựa trên logic thị trường bị sai lệch. Sự thiếu công lý về môi trường, cũng như giá thị trường phản ánh một thực tế là sự phân hóa giàu nghèo do thị trường gây ra ảnh hưởng nặng nề tới tương lai, đồng thời phớt lờ các hậu quả môi trường, phá vỡ các cuộc đàm phán thị trường. Nhìn vào các đánh giá kinh tế để đánh giá những thất bại trong thị trường có thể lại là thất sách.

Một Bản ghi nhớ bị rò rỉ từ Ngân hàng Thế Giới vào đầu những năm 1990 đã tuyên bố “Logic kinh tế đằng sau việc chuyển các chất thải độc hại tới các nước thu nhập thấp thật hoàn hảo”. Tuyên bố này đã gây ra một sự chấn động trong dư luận. Larry Summers, giám đốc hiện tại của Uỷ ban Kinh tế Quốc gia Mỹ, tác giả của bản ghi nhớ trên, hẳn đã rất lấy làm tiếc vì đã chỉ ra điều đó. Nhưng vấn đề thực sự là chính những nhận xét dễ gây mếch lòng ấy lại đại diện chính xác cho lối tư duy kinh tế thông thường. Logic thực sự là sức khoẻ và an toàn của người dân ở các nước có thu nhập thấp ít đáng giá hơn bởi thị trường đánh giá họ thấp hơn, cũng như thị trường định giá thấp hơn lực lượng lao động và những gì thuộc về họ. Hầu hết mọi người kể cả các nhà kinh tế đều nhận ra quan điểm này là vô đạo đức, nhưng logic này lại luôn tiềm tàng trong hầu hết các định giá kinh tế và nó định hướng các quyết định chính sách quan trọng.

Nếu được sử dụng tốt, các đánh giá kinh tế có thế buộc các nhà hoạch định chính sách đối mặt với thực tế bất công này. Còn nếu quá lạm dụng, đánh giá kinh tế nó có thể củng cố và thậm chí tạo ra những thực tế đó.

Khi phải xác định và chỉ ra điều gì là thiếu công bằng nhất, sức khoẻ trở thành điểm quan trọng hàng đầu. Xét trên phương diện sức khoẻ, thật khó lòng biện hộ cho việc chuyển các chất thải độc hại tới các nước có thu nhập thấp. Có thể sẽ còn những tranh luận rằng việc buôn bán chất thải độc hại kia suy cho cùng cũng có ảnh ưởng tích cực tới các nước tiếp nhận bằng cách tăng thu nhập cho họ, song những giả định gây tranh cãi vẫn mập mờ trong những ý kiến như thế cần phải được làm rõ, vì không thể có sự mập mờ trong hệ thống đánh giá. Tương tự, xét từ phương diện sức khỏe, khó có thể bào chữa cho việc chất gánh nặng lên vai các thế hệ tương lai với các nguy cơ khí hậu đe doạ cuộc sống chỉ vì lợi ích tiêu dùng lớn hơn ở những nước giàu hiện nay.

Khủng hoảng kinh tế như một sự kiện bản lề

Đồng thời với việc các gánh nặng toàn cầu về môi trường bắt đầu đè nặng trên vai con người, chúng ta cũng phải trải nghiệm cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự đầu tiên. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, và chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế hơn nữa do áp lực của môi trường và sự khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên. Hiện tại, khủng hoảng kinh tế gây ra nhiều trở ngại cho các phong trào sức khoẻ cộng đồng mới, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội sống còn.

Những trở ngại đã quá rõ ràng. Mối quan tâm về kinh tế hiện tại đang thu hút sự quan tâm của các chương trình nghị sự trong khi đói nghèo đang trên đà gia tăng. Cơ hội càng mong mang hơn. Chúng cho thấy một thực tế rằng khủng hoảng đang buộc chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ lại về thiết chế toàn cầu, và chính chúng cũng chặn lại những phát ngôn một cách thiếu suy nghĩ rằng thị trường luôn luôn biết rõ nhất. Cuộc khủng hoảng kinh tế có thể dễ dàng trở thành một sự kiện bản lề và vấn đề nào sẽ nổi lên tiếp theo là điều khó mà dự đoán.

Dù điều gì đang xảy ra với tư bản toàn thế giới, đây cũng là thời điểm quan trọng để đưa sức khoẻ vào cuộc bàn luận toàn cầu, không chỉ nhằm mục đích tăng cường nhân tố sức khoẻ, mà còn cải thiện sức khoẻ trên toàn cầu trong hiện tại và cả tương lai.