Chiến dịch đẩy lùi bệnh sốt rét

ThienNhien.Net – Ngày 17/04 vừa qua, các tổ chức y tế quốc tế và chính phủ các nước châu Âu đã tuyên bố phát động một chiến dịch đẩy lùi bệnh sốt rét nhằm cứu sống các bệnh nhân sốt rét và ngăn ngừa khả năng kháng thuốc thông qua việc điều chỉnh giá của loại thuốc trị bệnh sốt rét tốt nhất hiện nay xuống ít nhất là 20 cent.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng từ 300 đến 500 triệu người trên toàn cầu bị mắc bệnh sốt rét với 1 triệu người bị tử vong, trong đó đa số là trẻ em dưới 5 tuổi, sống tại các quốc gia châu Phi. Cứ 30 giây trên thế giới lại có một trẻ em bị thiệt mạng vì bệnh sốt rét.

Tới 2010 thế giới cần:
– Hơn 700 triệu màn tẩm hóa chất (một nửa dành cho châu Phi)
– Hơn 200 triệu liều thuốc điều trị hiệu quả
– Phun thuốc diệt muỗi cho khoảng 200 triệu ngôi nhà hàng năm
– Khoảng 1,5 tỷ cuộc kiểm tra chẩn đoán hàng năm.

WHO cũng cho biết trong năm nay thế giới cần khoảng 5,3 tỷ USD để kiểm soát căn bệnh sốt rét. Năm 2010, con số này sẽ là 6,2 tỷ USD. Từ 2011 đến 2020 sẽ cần khoảng 5 tỷ USD mỗi năm để duy trì các thành quả đạt được từ công cuộc kiểm soát sốt rét. Bên cạnh đó, mỗi năm sẽ cần 1 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển các biện pháp phòng tránh và điều trị bệnh.


Chiến thắng của sự đồng lòng quốc tế


Các chuyên gia về căn bệnh này hoan nghênh chiến dịch trên như một trong những bước tiến quan trọng nhất hiện nay trong cuộc chiến chống lại căn bệnh sốt rét. Ông Awa Coll-Seck, giám đốc điều hành của Hội Đẩy lùi Sốt rét – một trong những tổ chức tham gia chiến dịch đã gọi đây là 
“Chiến thắng của sự đồng lòng quốc tế”.
 
Chiến dịch là nỗ lực kết hợp của Quỹ toàn cầu chống AIDS, Lao phổi và Sốt rét; Hiệp hội Đẩy lùi Sốt rét; chính phủ các nước Na Uy, Anh, Hà Lan, và hiệp hội các đơn vị hỗ trợ của 30 quốc gia gây quỹ từ tiền bán vé máy bay.
 
Chương trình hỗ trợ được khởi động tại Na-Uy có ngân sách ban đầu là 225 triệu USD do Hội Hỗ trợ giá thuốc Sốt rét hay còn gọi là AMFm điều hành. Chương trình dự kiến quyên góp 1,9 tỉ USD từ các quỹ hỗ trợ. 225 triệu USD khởi đầu được coi là dự án thí điểm tiến hành tại Campuchia và 10 nước châu Phi. Dự án này sẽ được đánh giá lại sau 2 năm.
 
Tuy nhiên, đến nay Hoa Kỳ, mạnh thường quân lớn nhất cho cuộc chiến chống sốt rét vẫn đang từ chối ủng hộ tài chính cho chương trình. Điều phối viên đại diện cho Quỹ Sáng kiến Chống sốt rét của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Bernard Nahlen, lý giải rằng họ muốn tìm hiểu thêm về các nghiên cứu chứng minh các nguồn hỗ trợ chính phủ có hiệu quả trước khi quyết định đổ hàng triệu USD vào đầu tư cho chương trình.


Dự án hỗ trợ mạnh thị trường thuốc sốt rét tư nhân được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2004 bởi hội đồng Viện Y khoa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, đứng đầu là ông Kenneth Arrow – người từng nhận giải thưởng Nobel về kinh tế. Quỹ Bill & Melinda Gates và quỹ tài trợ Clinton cũng hậu thuẫn cho dự án này.

 
Mục tiêu của chiến dịch là gây sức ép lên một số công ty dược đang sản xuất thuốc artemisinin tổng hợp nhằm giảm giá thuốc bán cho các nhà buôn tư nhân từ 4 USD xuống còn 1 USD, sau đó sẽ dùng quỹ quyên góp được để trả 95 cents trong 1 USD đó khiến giá bán lẻ của thuốc chỉ bằng giá bán buôn cho các chính phủ.
 
Quan điểm của WHO hiện nay cho rằng cách ưu việt nhất trong điều trị bệnh này là kết hợp artemisinin cùng với ít nhất một loại thuốc khác.
 
Mục đích của kế hoạch hỗ trợ nhằm loại bỏ khỏi thị trường các loại thuốc cũ thường gây kháng thuốc như chloroquine và Fansidar, cũng như khi điều trị artemisinin không kết hợp với loại thuốc khác. Bởi vì việc sử dụng bất kỳ loại thuốc đơn lẻ nào cũng làm tăng khả năng kháng thuốc của trùng sốt rét.
 
Hiện chỉ có 3 công ty dược – Novartis, Sanofi-Aventis và Ajanta của Ấn Độ đang điều chế hai loại thuốc trong cùng một viên với sự chấp thuận của WHO. Một số loại thuốc của các công ty khác cũng đang chờ được kiểm nghiệm trong thời gian sắp tới.
 
Một vấn đề còn phức tạp hơn nữa trong điều trị sốt rét là thiếu chẩn đoán trước khi trị bệnh. Do lo ngại căn bệnh sốt rét, các bà mẹ thường mua thuốc chống sốt rét ngay khi trẻ có dấu hiệu sốt. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy đến 90% các cơn sốt không phải là sốt rét. Điều này dẫn đến hao tốn và uổng phí nguồn ngân sách hỗ trợ.
 
Tiến sĩ Nahlen cho biết đã chuyển giao chương trình chẩn đoán sốt rét ở Ethiopia, trong đó 30 000 nhân viên y tế của làng đã được hướng dẫn sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh. Tuy vậy các chương trình như vậy vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Châu Phi.
  

Ngày 25/04/2000, các nhà lãnh đạo của 44 nước châu Phi đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh về sốt rét tại Abuja, Nigeria. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 25/4 hàng năm là Ngày Sốt rét châu Phi. Năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày này làm Ngày Thế giới phòng chống sốt rét.


Bệnh sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi anophen (dân gian vẫn thường gọi là muỗi đòn sóc) truyền từ người bệnh sang người lành. Bệnh có nhiều ở các vùng rừng núi, vùng ven biển nước lợ và dễ gây thành dịch.


Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt. Sốt rét có thể làm cho lách to, phù nề do suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ bị đẻ non, sảy thai, thai chết lưu, trẻ em mắc sốt rét dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn. Người mắc sốt rét không được điều trị sẽ chuyển thành sốt rét ác tính và tử vong. Nếu mắc bệnh sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ là nguồn bệnh để lây sang người khác làm cho nhiều người mắc bệnh, gây nên dịch sốt rét.


Có 4 loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh ở người, ở nước ta thường gặp hai loại ký sinh trùng sốt rét:
+ Phan-xi-pa-rum (P.falciparum). Phan-xi-pa-rum thường gây sốt hằng ngày, gây ra sốt rét nặng và sốt rét ác tính, chiếm khoảng 70%.
+ Vi-vắc (P.vivax) thường gây sốt cách nhật (cách ngày sốt một lần) chiếm khoảng 30%.

Bệnh sốt rét tồn tại và lan truyền qua 3 yếu tố:
– Nguồn bệnh: người có ký sinh trùng sốt rét trong máu.
– Muỗi anophen (muỗi đòn sóc).
– Những người sống trong vùng sốt rét hoặc qua lại vùng sốt rét (người lành).
Bệnh sốt rét có thể phòng tránh và điều trị khỏi hoàn toàn. 

(Theo Báo Sức khỏe và Đời sống)