Thêm 10 triệu việc làm nếu quản lý rừng bền vững

ThienNhien.Net – Theo báo cáo Thực trạng Rừng thế giới 2009 do Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) công bố nhân dịp Tuần lễ Rừng Thế giới kết thúc vào ngày 20 tháng 3 vừa qua, việc đầu tư vào quản lý rừng bền vững có tiềm năng tạo ra 10 triệu công việc “xanh” mới. Điều này có thể giúp giảm bớt tác động của nạn mất việc đang diễn ra phổ biến trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.

Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), con số thất nghiệp toàn cầu có thể tăng từ 179 triệu người năm 2007 lên 198 triệu năm 2009 trong tình huống tốt nhất hoặc có thể lên tới 230 triệu người trong tình huống xấu nhất.

Tuy nhiên, tăng đầu tư vào ngành lâm nghiệp có thể giúp tăng số lượng việc làm tại nhiều lĩnh vực như quản lý rừng, nông lâm nghiệp, quản lý cháy rừng, khai phá những con đường mòn trong rừng và triển khai các hoạt động giải trí, mở rộng khu vực “xanh” thành thị, phục hồi rừng thoái hóa và trồng mới.

Những hoạt động như thế có thể phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương về nguồn lao động sẵn có, trình độ dân cư và các điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội.

FAO nhấn mạnh rằng một vài quốc gia, trong đó có Mỹ, đã đưa ngành lâm nghiệp vào kế hoạch kích thích kinh tế của mình.Tương tự, ở Ấn Độ, chương trình trồng cây gây rừng đã đóng một vai trò quan trọng trong “Chương trình bảo đảm việc làm nông thôn toàn quốc” (NREGP).

Đồng thời, bản báo cáo Thực trạng Rừng cũng cảnh báo rằng, về ngắn hạn, rừng và ngành lâm nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhu cầu về gỗ và các sản phẩm từ gỗ giảm xuống do sự sụp đổ của thị trường nhà đất và tính thanh khoản kém đang có ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn đầu tư vào các ngành công nghiệp dựa vào rừng và ngành quản lý rừng.

Bản báo cáo nhận xét, mối quan tâm chung hiện nay là nhiều chính phủ có thể giảm bớt các mục tiêu môi trường lớn ban đầu hay trì hoãn hoạch định các chính sách quan trọng có liên quan tới việc giảm thiểu hay thích nghi với biến đổi khí hậu khi họ tập trung vào việc xoay chuyển tình hình kinh tế. Thêm vào đó, những kế hoạch ban đầu về việc giảm lượng khí thải từ đốt rừng hay suy thoái rừng, đặc biệt là những hoạt động phụ thuộc vào sự luân chuyển tài chính quốc tế cũng sẽ đối mặt với khó khăn.

Bản báo Thực trạng Rừng Quốc tế 2009 đánh giá: “Những khó khăn có nguyên nhân từ sự bất ổn định kinh tế và biến đổi khí hậu đang đưa ngành quản lý rừng lên vị trí hàng đầu trong mối quan tâm toàn cầu”.

Xét trên phương diện tích cực thì, về dài hạn, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể nảy sinh nhiều cơ hội. Việc sử dụng các sản phẩm từ rừng tăng lên, như gỗ trong các công trình xây dựng và trong các hoạt động phát triển “xanh”, có thể thúc đẩy đầu tư vào rừng.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi có nhiều quốc gia đông dân với hơn một nửa dân số thế giới sinh sống, nhu cầu về gỗ và các sản phẩm từ gỗ được dự tính là tiếp tục tăng cùng với tốc độ tăng thu nhập và dân số.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bản báo cáo, mặc dù đi đầu về số lượng rừng trồng (nhờ những kế hoạch trồng cây gây rừng và tái tạo rừng lớn), nhưng khu vực này sẽ vẫn tiếp tục lệ thuộc vào nguồn cung gỗ của các khu vực khác, khi khó khăn về đất và nước hạn chế khả năng tự cung tự cấp gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Song tại Châu Âu, nguồn tài nguyên rừng được dự đoán sẽ mở rộng trong bối cảnh sự phụ thuộc vào đất đai giảm, thu nhập cũng như mối quan tâm bảo vệ môi trường tăng lên, các chính sách và khung thể chế được thiết lập tốt.