Tiền Giang: Hiệu quả từ mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học

ThienNhien.Net – Huyện Cái Bè, Tiền Giang đang triển khai mô hình nuôi gà, vịt theo hướng an toàn sinh học, tập trung ở 3 xã điểm: Hậu Mỹ Phú, Mỹ Tân và Mỹ Đức Tây, thay thế cho phương thức nuôi chạy đồng, đã mang lại những kết quả bước đầu khả quan, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi gia cầm, hạn chế việc lây nhiễm dịch bệnh.

Hiện 3 xã trên có nhiều hộ nông dân nuôi nhốt gà, vịt tập trung đã mang lại lợi nhuận cao gấp đôi so với phương thức nuôi thả rong truyền thống. Đặc biệt, mô hình này còn quản lý, kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, có thể nuôi quanh năm không hạn chế thời vụ như vịt chạy đồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian nuôi ngắn và có thể kết hợp nuôi cá để tăng lợi nhuận.

Mô hình nuôi này cho gia cầm ăn bằng thức ăn công nghiệp; các hộ, trang trại nuôi tập trung theo hai hình thức: nuôi nhốt và nuôi vừa thả vừa nhốt có rào chắn bao quanh, chủ yếu là thủy cầm để khai thác trứng lạc, trứng giống (cung cấp cho các lò cơ sở, lò ấp), bán con giống và nuôi thương phẩm hướng thịt. Để đảm bảo mô hình đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người nông dân làm chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi, quản lý quy trình vệ sinh thú y, biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi… nhờ vậy, các hộ, trang trại nuôi đạt hiệu quả rất cao.

Điển hình như hộ Nguyễn Văn Hiền (ấp 1, xã Mỹ Tân) vốn là hộ nuôi vịt chạy đồng cha truyền con nối. Nhận thấy nhiều rủi ro trong thời kỳ cúm gia cầm, được động viên của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, anh quyết định chuyển đổi sang mô hình mới nuôi theo hướng an toàn sinh học với diện tích hơn 400m2 (trong đó anh chia hơn 200m2 làm chuồng trại, sân chơi phơi nắng cho vịt, diện tích còn lại anh đào ao nuôi cá rô phi, tai tượng và để vịt tắm). Anh thả nuôi 200 con vịt giống M2 để đẻ trứng, mỗi ngày vịt đẻ từ 160 – 180 trứng. Tổng thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh từ trứng vịt và cá được gần 200 triệu đồng.

Còn chú Nguyễn Thanh Danh (ấp 1, xã Mỹ Tân) nuôi 900 con gà Lương Phượng có chuồng nhốt. Sau hơn 1,5 tháng chú xuất chuồng. Bình quân mỗi đợt gà trừ hết chi phí chú lãi khoảng 5 triệu. Tận dụng phân gà chú nuôi 45 kg cá trê và mỗi năm chú xuất bán hơn 1,5 tấn cá.

Ngoài ra, mô hình nuôi này có ưu điểm về việc thực hiện vệ sinh sát trùng, tiêm phòng cũng được đảm bảo thường xuyên. Hiện tại, huyện Cái Bè đang triển khai sâu rộng phong trào nuôi gia cầm an toàn sinh học cho nông dân 3 xã: Hậu Mỹ Phú, Mỹ Đức Tây và Mỹ Tân. Ông Phạm Văn Thanh – Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè cho biết “huyện sẽ nhân rộng mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học cho nông dân 3 xã điểm thực hiện đúng theo qui trình và mở lớp tập huấn, hướng dân nông dân về kỹ thuật chăn nuôi”.

Thiết nghĩ, trong tình hình dịch cúm gia cầm đang hoành hành ở một số tỉnh, thành trên cả nước thì phong trào nuôi vịt, gà theo phương thức an toàn sinh học ở huyện Cái Bè đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó giúp cho công tác phòng chống dịch bệnh được hiệu quả hơn./.