Môi trường Hà Nội: Động đâu, ô nhiễm đó

ThienNhien.Net – Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở khắp nơi: từ nông thôn đến thành thị, ở cơ sở sản xuất công nghiệp riêng rẽ, các cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ đến các khu công nghiệp tập trung, làng nghề… Đó là thực trạng mà đoàn giám sát về môi trường của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã "mục sở thị " trong những ngày qua. Ngày 08/04, vấn đề bức xúc này đã được đưa ra trong cuộc họp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Động đâu, ô nhiễm đó

Ông Lê Quang Nhuệ, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nói rằng, tình hình môi trường trên địa bàn Hà Nội đang xấu đi một cách trầm trọng.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, gần 100% nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất chưa qua xử lý xả thẳng ra tự nhiên. Đa số các cụm, điểm sản xuất công nghiệp tập trung chưa có hoặc có các trạm xử lý nước thải tập trung nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nói rằng, toàn thành phố chỉ có 8/48 bệnh viện và trung tâm y tế thuộc Hà Nội quản lý có trạm xử lý nước thải, số còn lại đều xả thẳng ra môi trường. Ngoài ra, thực trạng ô nhiễm của nhiều sông, ao hồ trong nội thành Hà Nội cũng đang là một vấn đề bức xúc.

Thực tế cho thấy, phần lớn nước sinh hoạt ở nông thôn, nơi không có các trạm cấp nước tập trung chưa được kiểm soát về chất lượng. Một số vùng làng nghề có nhiều hóa chất độc hại trong nước vượt mức nhiều lần song chưa có biện pháp xử lý và người dân vẫn phải sử dụng để sinh hoạt và sản xuất. Ông Nhuệ ví von một cách chua chát rằng, ở những vùng đó “nước sinh hoạt bây giờ không bằng nước ao ngày xưa.”

Về việc thu gom, quản lý và vận chuyển rác, phế thải xây dựng, đoàn giám sát cho biết việc đổ trộm phế thải, rác thải xây dựng còn phổ biến. Rác thải công nghiệp từng bước được xử lý song còn thấp, công tác quản lý rác thải công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện mới thu gom và xử lý được khoảng 85-90% chất thải công nghiệp và 60% chất thải nguy hại. Rác thải y tế tuy làm tốt công tác quản lý tại nguồn và đưa đi xử lý, song công nghệ xử lý còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải độc hại.Tại các huyện ngoại thành, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom còn rất lớn, tình trạng chôn lấp thủ công còn nhiều.

Con số thống kê của Sở tài Nguyên và Môi trường cho thấy, hiện còn 11 huyện đổ rác tại các bãi lộ thiên hoặc tận dụng ao, hồ làm nơi chứa rác, không có hệ thống thu gom nước rác dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước mặt và nước ngầm.

Chất lượng không khí cũng đang xuống cấp, đặc biệt là khu vực nội thành. Hiện tượng ô nhiễm do khói, bụi ngày càng nhiều. Hầu hết các chất gây ô nhiễm như Benzexit, ôxit nitơ, lưu huỳnh, các bon, bụi… đều vượt chuẩn cho phép.

Những nút thắt phải tháo gỡ

Cũng theo Đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, công tác quản lý nhà nước về vấn đề môi trường của Hà Nội còn nhiều bất cập. Biểu hiện cụ thể ở việc thiếu một chiến lược và quy hoạch tổng thể về môi trường, các quy định chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, nguồn cán bộ thiếu và yếu…

Hiện nay, nhiều cụm, điểm công nghiệp, doanh nghiệp thuộc diện phải có trạm xử lý nước thải nhưng một số không có ngay từ khi quy hoạch, thiết kế. Một số khác có quy hoạch, thiết kế thì lại chưa đầu tư như khu công nghiệp Quang Minh, Ngọc Hồi. Hầu hết các khu công nghiệp tập trung đã hoạt động từ lâu nhưng chưa đầu tư các khu xử lý nước thải theo quy hoạch, hay việc diện tích dành cho mục đích này trong một số khu đã cho doanh nghiệp… thuê để làm nhà xưởng (khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội – Đài Tư…).

Hiệu lực thanh, kiểm tra không cao khi một số cơ sở bị phạt nhiều lần song vẫn “trơ lì”. Nhiều doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường nhưng không hề thực hiện.

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói rằng, môi trường nước ta đã đi sau thế giới một nhịp quá dài. Hiện, việc đầu tư cho môi trường chưa hiệu quả như xây dựng trạm xử lý ở Khu công nghiệp Thăng Long, Cầu Giấy lại không có nước thải mà xử lý… Thậm chí, Sở của ông quản lý môi trường nhưng hoạt động cụ thể lại nằm ở.. ngành khác (ví dụ việc quy định chỗ đổ rác thuộc ngành Xây dựng).
Đồng tình, một đại biểu của Hội đồng Nhân dân cho biết, nên quản lý môi trường với một đầu mối, cho họ quyền hạn và trách nhiệm cụ thể chứ không nên phân tán như hiện nay. Vị đại biểu này cũng nói rằng, hiện các cơ quan quản lý về môi trường vẫn chưa hoạt động xứng tầm và quyết sách vẫn chưa đi được vào thực tế.

Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hiện thủ đô đang tập trung quyết liệt vào vấn đề nước sạch và rác thải. Hà Nội cũng đã ra quy chế thử nghiệm xử lý làm sạch nước hồ, ao. “Đến tháng 10 năm nay, hội đồng khoa học sẽ tổng hợp và công bố rộng rãi phương pháp xử lý nào là hợp lý.”

Về nước thải, ông Khanh cho biết, hiện đã cơ bản đánh giá xong tác động môi trường tại các bệnh viện, khu công nghiệp. Với một số cơ sở đặc thù như y tế, việc đóng cửa theo quy định rất dễ nảy sinh vấn đề xã hội nhưng nếu không tuân thủ bảo đảm môi trường sẽ xử lý cán bộ.

Còn về tình trạng các bãi chứa rác đã sắp đầy, cuối 2009, Hà Nội sẽ khởi công xây lò đốt công nghệ cao để phục vụ tiêu hủy rác trong nội thành và một số huyện ven nội thành. Ở các huyện khác phải bố trí các hố chôn lấp hợp vệ sinh, tránh ùn tắc rác thải về thành phố.

Thời gian tới, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ ra một nghị quyết về vấn đề môi trường nhằm có thêm một văn bản pháp lý nhằm làm trong lành cuộc sống của người dân./.

6 hình thức vi phạm phổ biến trong lĩnh vực môi trường

– Không tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, ví dụ như phải phê duyệt đánh giá tác động môi trường mới được xây dựng cơ sở sản xuất nhưng có nơi không thực hiện hoặc xây dựng hệ thống nhưng không vận hành hay vận hành không hiệu quả.

– Khai thác tài nguyên trái phép: khai thác cát ở sông Đuống, sông Hồng; khai thác nước ngầm ở 1 số khu công nghiệp.

– Chưa quản lý chặt chẽ vấn đề kiểm soát bức xạ tại các cơ sở y tế.

– Nhập khẩu trái phép chất thải dưới dạng phế liệu.

– Vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức báo động: môi trường giết mổ gia súc, gia cầm…

– Buôn bán, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã diễn ra phức tạp.

(Theo ông Đoàn Hữu Châu, Phòng cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội)