Quảng Ninh: Nghịch lý thu phí nước máy

ThienNhien.Net – “Nước là một sản phẩm quý giá nhất trên thế giới, nó đem lại nguồn sống và sinh lực cho hàng tỷ con người, tạo nên những cánh đồng xanh bát ngát, những rừng cây, non nước hùng vĩ … nhưng nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, nó có thể cạn kiệt và cạn kiệt nhanh hơn chúng ta tưởng” (*). Song chúng tôi “buộc” phải lãng phí nước.

Gia đình tôi sống ở tổ 25, khu 4, phường Trưng Vương, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là khu tập trung chủ yếu của các hộ gia đình công nhân Công ty Nhiệt điện Uông Bí. Đã từ lâu nay, khu tập thể chúng tôi luôn có ý thức trong việc tiết kiệm nước. Chúng tôi thường dùng nước thừa như nước rửa rau, nước xả quẩn áo… để tiết kiệm dùng cọ rửa nhà tắm, nhà vệ sinh hoặc tưới cây, tưới đường ngõ…

Vào những ngày mưa, nhà nào nhà ấy đều hò nhau hứng nước mưa. Hầu như những tháng mùa mưa, các hộ gia đình ở đây không phải dùng đến nước máy. Dùng nước mưa vừa sạch lại vừa không phải trả tiền. Ở nhà tôi, hàng ngày giặt xả quần áo, tôi cũng thường xả vò từng cái một chứ không cho tất cả vào chậu rồi mới xả, vì như vậy vừa không sạch mà lại tốn nước. Có hôm gia đình tôi đi làm và quên không vặn vòi nước, anh chị hàng xóm không biết làm sao để mở khoá cửa nhà được bèn chạy ra tận đầu ngõ (nơi đặt đồng hồ đo nước) để khoá nước lại giúp.

Tinh thần tiết kiệm nước ở khu xóm tôi nay đã được chuyển sang tinh thần “dùng thoải mái vì đằng nào cũng phải trả tiền”. Vào khoảng thời gian đầu năm 2008, chúng tôi nhận được một thông báo (không số, không ngày tháng ban hành(!))của Xí nghiệp nước Uông Bí “về việc thực hiện sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch”.

Theo nội dung của thông báo thì những hộ gia đình nếu không sử dụng nước hoặc sử dụng ít hơn 4m3/hộ gia đình/tháng thì vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán tiền nước theo khối lượng nước quy định tối thiểu là 4m3/hộ gia đình/tháng (Trên cơ sở căn cứ chương 4, mục 1, điều 42, khoản 2 của Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 của Chính phủ “Về việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch”).

Do vậy, khu tập thể của chúng tôi không còn nhắc nhở nhau tiết kiệm nước nữa. Đường xóm trở nên sạch sẽ vì được tưới nước thường xuyên. Xe máy, xe đạp, xe cút kít của trẻ con cũng sạch láng bóng. Nước tí tách rò rỉ cả ngày ở nhà đối diện cũng không làm bận lòng chủ hộ hay những hộ xung quanh. Nước mưa dường như chỉ còn có ý nghĩa đối với những người thích uống trà.

” Khách hàng sử dụng nước là các hộ gia đình đã thỏa thuận đấu nối vào mạng lưới cấp nước của đơn vị cấp nước mà không sử dụng hoặc sử dụng nước ít hơn 4m3/hộ gia đình/tháng thì hộ gia đình có nghĩa vụ thanh toán và đơn vị cấp nước được phép thu tiền nước theo khối lượng nước sử dụng tối thiểu quy định là 4m3/hộ gia đình/tháng, trừ trường hợp tạm ngừng dịch vụ cấp nước được quy định tại khoản 1 Điều 45 của Nghị định này. Quy định về khối lượng nước sử dụng tối thiểu phải được thông báo cho các hộ gia đình biết trong quá trình tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng và được thể hiện trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước ký kết giữa đơn vị cấp nước và hộ gia đình.”

(Điều 42, Khỏan 2, Nghị Định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch)

Văn bản vô hình chung đã buộc anh thanh niên độc thân vui tính ở hộ gần kề cứ hễ về nhà là phải xả nước tắm rửa cả giờ đồng hồ cho cả 3 gian nhà, cho cả mái bếp, cho đủ “tiêu chuẩn sạch là 4 khối nước/tháng” theo như cách ví von của anh. Tinh thần của văn bản ấy đã làm tình làng nghĩa xóm thêm “gắn kết” hơn khi có hộ gia đình đi làm ăn ngoài phố, anh kỹ sư hay đi công tháng thường xuyên nhắc nhở “Bác câu nước sang mà dùng cho đỡ phí, đằng nào cháu cũng phải trả tiền”… Khu xóm chúng tôi đang “buộc” phải từ bỏ 1 thói quen tốt, phải tiêu thụ cho đủ khối lượng nước mà nhà nước quy định phải trả tiền.

Tôi thiết nghĩ, trong khi chúng ta đang tìm nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có việc bảo vệ tài nguyên nước thì việc áp dụng quy định này vô hình chung sẽ làm giảm lợi ích mong muốn. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nguy cơ thiếu điện nước, mất cân bằng sinh thái là hiển nhiên. Nước cho sinh hoạt, nước cho nông nghiệp, nước cho thuỷ điện… không phải là lúc nào cũng sẵn. Hiện còn rất nhiều nơi không có nước chứ chưa nói đến nước có đủ sạch hay không để sử dụng.

Việc nâng cao ý thức sử dụng nước của mỗi cá nhân, hộ gia đình bằng cách tuyên truyền giá trị của nước đối với thiên nhiên và đời sống con người cho hôm nay và cho mai sau là việc làm cần thiết. Song đứng về phía người dân thì phần lớn họ sẽ đặt câu hỏi họ tiết kiệm nước máy để làm gì khi họ buộc phải trả tiền cho phần mà họ không có nhu cầu sử dụng.

Đó là vấn đề hoàn toàn thực tế. Họ phải tiết kiệm tài nguyên nước để phục vụ cho sản xuất ư? cho vùng khác khỏi hạn hán ư? hay cho sự phát triển bền vững?… sẽ không dễ thuyết phục khi áp đặt định mức thu tiền nước máy như vậy. Nếu có thể tăng giá tiêu thụ nước theo cấp số nhân lên, điều đó sẽ nhắc nhở được người tiêu dùng và các doanh nghiệp thay đổi hành vi sử dụng nước hơn là áp đặt định mức thu tiền theo lượng nước quy định.

Điều đó không những gây bất bình cho các hộ sử dụng nước máy mà vô hình chung lại tạo lên một thói quen không tốt cho người sử dụng. Việc xả nước cho bõ tức kiểu này có lẽ không phải chỉ riêng ở khu xóm chúng tôi. Rất mong các ban ngành chức năng xem xét để tránh tình trạng xả nước lãng phí theo kiểu “Mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”.

Khi tôi hoàn thành bài viết này thì Công ty cấp nước Quảng Ninh đã có thông báo trên kênh phát thanh của Đài PTTH Quảng Ninh về nội dung này, quy định phải trả tiền nước tối thiểu 4m3/tháng, dùng hơn phải trả hơn nữa, dùng không hết 4m3 nước vẫn phải có trách nhiệm thanh toán tiền theo mức tối thiểu 4m3/tháng. Tỉnh Quảng Ninh bây giờ đang thực hiện thông báo chỉ tiêu 4m3 nước!

Tôi được biết một số báo đài tích cực tuyên truyền, xây dựng cho mọi người thói quen tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường. Việc hình thành lên một thói quen tốt, một ý thức tốt phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của, có khi mất cả một thế hệ, song phải từ bỏ một thói quen tốt chỉ vì lợi ích của một ngành mà làm như vậy hay sao? Phải chăng ngành nước thiếu quan tâm hay độc quyền để áp đặt. Thà tăng giá nước còn hơn là làm kiểu này!


* Trích từ ThienNhien.Net