Hà Nam: Mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mới

ThienNhien.Net – Từ vụ xuân 2009, quê hương của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam bắt đầu triển khai một mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mới với việc cơ giới hoá đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc trừ sâu và sau này là thu hoạch. Đây là mô hình được triển khai áp dụng lần đầu tiên ở Hà Nam, theo chương trình của trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư quốc gia ( Bộ Nông nghiệp – PTNT).

Ông Trần Văn Công- chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Bình Minh- xã Trung Lương cho biết: thôn Vị Hạ đã thành lập Ban quản lý hợp tác có sự tham gia của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bình Minh, cấp uỷ, chính quyền và các chi hội đoàn thể của thôn. Thôn còn thành lập tổ dịch vụ cơ giới với 18 thành viên để quản lí, vận hành, thiết bị được đầu tư.

Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, những hộ nông dân tham gia mô hình đóng góp một phần kinh phí đối ứng qua đầu sào. Riêng những người trong tổ dịch vụ cơ giới trực tiếp quản lí máy phải góp vốn đối ứng nhiều hơn và phải đóng góp một khoản tiền đặt cược để tự gắn trách nhiệm. Phòng khuyến công – Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia đã giúp tập huấn về kĩ thuật trồng trọt, kĩ năng vận hành thiết bị máy móc và nghiệp vụ quản lí tài chính cho người dân tham gia mô hình để cùng nắm bắt và giám sát quá trình hoạt động của tổ chức.

Thôn Vị Hạ được chọn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp là do tổng diện tích đất nông nghiệp của thôn được quy hoạch gọn, trung bình mỗi hộ có gần 1 mẫu ruộng liền thửa, thay vì 4-5 mảnh như trước đây, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đưa máy móc vào sản xuất. Ngoài ra, trong mấy vụ gần đây, nông dân thôn Vị Hạ đã áp dụng phương pháp gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng, một trong những khâu quan trọng của mô hình đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng.

Thực hiện mô hình nông nghiệp kiểu mới, thôn Vị Hạ đã được hỗ trợ từ 30-50% kinh phí để đầu tư 10 công cụ sạ hàng, 5 máy cày nhỏ, 5 máy phun thuốc trừ sâu, 1 máy gặt đập liên hoàn và xây dựng 1 trạm bơm hai máy có tổng công suất 1.080m3/giờ. Do vậy, tất cả các khâu từ làm đất, ngâm ủ thóc giống, gieo sạ, đến phun thuốc trừ sâu đều được làm tập trung theo điều hành của tổ hợp tác, người dân chỉ phải đóng phí dịch vụ theo quy định. Nguồn thóc giống được ban quản lí hợp tác cung ứng để đảm bảo cùng loại giống và chất lượng đồng đều.

Ông Đỗ Hồng Quân, trưởng phòng khuyến công (Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Quốc Gia) cho biết thêm: Thực hiện mô hình này, người nông dân nơi đây tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho sản xuất, mỗi sào ruộng sẽ cho thu nhập tăng gấp gần 2 lần so với trước, từ khoảng hơn 300 nghìn đồng/sào lên hơn 600 nghìn đồng/sào. Làm theo mô hình này cả cánh đồng ruộng được cấy cùng giống, cây lúa sẽ phát triển đồng đều, không chỉ dễ thâm canh, phòng trừ sâu bệnh…, mà còn tạo điều kiện sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung.

Ông Kiều Hữu Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT cũng cho biết: “ Tỉnh Hà Nam hiện có khoảng 50-60% diện tích trong tổng số hơn 30 nghìn ha đất gieo cấy mỗi vụ có thể áp dụng mô hình cơ giới hoá tổng hợp vào sản xuất để tạo ra nông sản hàng hoá tập trung. Việc đưa cơ giới hoá đồng bộ vào đồng ruộng là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp của địa phương trong thời gian tới. Đặc biệt khi cơ giới được đưa đồng bộ vào đồng ruộng sẽ giảm được từ 70-80% công lao động nông nghiệp. Ngoài ra, việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức cho người dân về việc dồn ghép tích tụ ruộng đất nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở địa phương, vốn là một hạn chế chung ở nhiều tỉnh ở Bắc Bộ hiện nay”…

Được biết, sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới đã được nông dân khu vực Nam Bộ có ruộng đất áp dụng khá lâu. Tuy nhiên, tại miền Bắc với đặc thù ruộng đất ít, manh mún, nông dân vẫn chủ yếu làm thủ công, cơ giới hoá chỉ đựợc thực hiện ở khâu làm đất. Do vậy, mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, đưa cơ giới hoá tổng hợp vào đồng ruộng hứa hẹn sẽ mở ra hướng sản xuất mới hiệu quả hơn./.