Tăng cường kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật

Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm hùm giống qua biên giới vào Việt Nam diễn ra phức tạp, đặc biệt là khu vực các tỉnh phía Nam giáp biên giới với Campuchia và Lào, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn châu Phi, Tai xanh, Cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, nguy cơ ảnh hưởng đến chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Ngày 31/1/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 12/CĐ-TTg về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam.

Cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, sát trùng phương tiện vận chuyển lợn. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm

Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Công an quận Hoàng Mai vừa phát hiện, kiểm tra và thu giữ 1 tấn nội tạng động vật bẩn, bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 1 tấn thực phẩm là trứng gà non đông lạnh, nầm lợn đông lạnh bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông M.H.T cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thực phẩm cuối năm của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Thủ đô lớn nên đã thu mua số lượng thực phẩm này trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Lực lượng chức năng hiện đang tiếp tục xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 6/1, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 2 xe ô tô được thuê vận chuyển hơn 3,8 tấn cá tầm sống không rõ nguồn gốc. Khoảng 2 giờ ngày 6/1, tổ công tác gồm Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lào Cai, Công an xã Bản Lầu, huyện Mường Khương và Đồn Biên phòng Bản Lầu tuần tra kiểm soát tại khu vực biên giới thuộc thôn Cúc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Khi tuần tra đến khu trang trại chăn nuôi gà giống của hộ gia đình ông Thắng thuộc thôn Cúc Phương, xã Bản Lầu, tổ công tác phát hiện tại khu vực đất trống và lán lợp tôn không có tường bao quanh nằm trong khuôn viên trang trại có nhiều phương tiện ô tô đang dừng đỗ và có người trong xe.

Tại thời điểm kiểm tra, Đặng Quốc Thịnh khai nhận trên xe đang chở hàng cá tầm. Kiểm tra tại chỗ, xe có 100 bao tải dứa màu xanh, bên trong là bao ni lông chứa cá tầm. Trần Xuân Thường khai nhận trên xe đang có 72 bao tải dứa màu xanh bên trong có một lớp bao tải trắng chứa cá tầm.

Tây Ninh có đường biên giới dài 240 km giáp Campuchia với nhiều đường mòn, lối mở; 16 cửa khẩu gồm ba cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), 3 cửa khẩu chính (Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ. Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Tây Ninh dự báo: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có khả năng diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo Đại tá Phạm Đình Triệu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, trước, trong và sau Tết Giáp Thìn, lực lượng Biên phòng trên tuyến biên giới tiếp tục duy trì quân số, động viên cán bộ chiến sĩ tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn, chủ động nắm bắt tình hình; tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an, Hải quan. Bộ đội Biên phòng sẽ tích cực phối hợp với địa phương hợp để thúc đẩy vai trò của lực lượng Công an cơ sở, dân quân tự vệ, chính quyền để đảm bảo quản lý tuyến biên giới hiệu quả, an toàn…

Trước đó ngày 20/12/2023, tại tổ dân phố 5 (thị trấn Phố Châu), Công an huyện Hương Sơn bắt quả tang Trần Anh Tuấn có hành vi tàng trữ một cá thể động vật đã chết, đầu nhỏ, mõm và đuôi dài, có 4 chân ngắn, không còn da. Lực lượng Công an đã khám xét nơi ở của Trần Anh Tuấn, phát hiện và thu giữ thêm 5 cá thể động vật đã chết có đuôi dài, đầu nhỏ, mõm dài; hai cá thể động vật đã chết có lông màu vàng, vằn đen và một đầu cá thể động vật có lông màu đen, bảo quản trong tủ lạnh.

Tiếp đó ngày 21/12/2023, Đội cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Hương Sơn đã phối hợp với Công an thị trấn Tây Sơn phát hiện, bắt quả tang tại nhà ở của Nguyễn Tiến Dũng đang tàng trữ 5 con hổ đã chết và được cấp đông. Qua đấu tranh, Nguyễn Tiến Dũng khai nhận đã mua số hổ chết trên từ Lào về để sử dụng; số còn lại bán cho người có nhu cầu…

Tăng cường kiểm soát

Theo Công điện số 12/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/1/2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam: Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,… để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam; trường hợp phát hiện nhập lậu trái phép phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam dẫn tới tình trạng phát sinh dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định về nhập khẩu để đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản được phép nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung phục vụ thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách…

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trên tuyến biên giới; chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, buôn lậu vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản không rõ nguồn gốc trên thị trường theo đúng quy định…

Đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã; xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã.

Để đảm bảo công tác thực thi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật (bao gồm Kiểm lâm, Kiểm ngư, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an) tăng cường phối hợp liên ngành…