Lần đầu phát hiện linh dương hoẵng châu Phi cực hiếm sống trong tự nhiên

Các nhà nghiên cứu chụp được hình ảnh đầu tiên về linh dương hoẵng Walter (Philantomba walteri) sống trong môi trường hoang dã.

Linh dương hoẵng Walter. Ảnh: WildCRU.

Tại quốc gia Tây Phi Togo, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên thấy hình ảnh của linh dương hoẵng Walter, loài linh dương Châu Phi nhỏ, sống trong tự nhiên, thông qua “bẫy ảnh”.

Phát hiện này được công bố ngày 2.4 trên Tạp chí Sinh thái học Châu Phi, do nhà động vật học địa phương Délagnon Assou dẫn đầu ở Togo và nhóm cơ sở do Tiến sĩ Neil D’Cruze của Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu.

Nghiên cứu công bố bức ảnh tuyệt đẹp về một loài động vật chưa bao giờ được chụp ảnh còn sống trong môi trường hoang dã trước đây.

Hình ảnh đầu tiên về linh dương hoẵng Walter là một phần của cuộc khảo sát nhằm đặt bẫy ảnh từ xa toàn diện đầu tiên đối với hệ động vật có vú lớn được thực hiện ở Togo, kéo dài hơn 9.000 ngày theo dõi.

Nhóm các nhà khoa học chung Togo/Anh/Đức đã đặt 100 bẫy ảnh tại vườn quốc gia Fazao-Malfakassa, khu bảo tồn lớn nhất Togo.

Lần đầu tiên các nhà khoa học chụp được ảnh linh dương hoẵng Walter còn sống trong môi trường hoang dã. Ảnh: WildCRU

Bẫy ảnh, thiết bị dùng để chụp động vật hoang dã sử dụng cảm biến chuyển động, đang cứu các loài động vật khỏi những kẻ đi săn thú rừng và phát hiện động vật quý hiếm.

Các loài thú ăn kiến Aardvark, còn gọi là lợn đất và cầy mangut quý hiếm cũng được phát hiện lang thang trong tự nhiên ở Togo thông qua bẫy ảnh.

Nhà sinh vật học động vật hoang dã Neil D’Cruze chia sẻ với Gizmodo: “Bẫy ảnh là một công cụ thay đổi cuộc chơi khi nói đến khảo sát đa dạng sinh học”.

Linh dương hoẵng Walter được phát hiện năm 2010 khi các mẫu vật thịt thú rừng được các nhà khoa học so sánh với các mẫu linh dương hoẵng khác đã biết.

Con linh dương Châu Phi nhỏ bé này cho đến nay vẫn là bí ẩn tới mức dường như không tồn tại. Những hình ảnh vừa được chụp về linh dương hoẵng Walter là lần đầu tiên các nhà khoa học nhìn thấy loài này trong tự nhiên.

Nhà động vật học tại Đại học Oxford David Macdonald chia sẻ: “Trong 200 năm qua, con linh dương duyên dáng này đã thể hiện tài năng tuyệt vời trong việc né tránh các nhà khoa học, nhưng lại tỏ ra kém cỏi hơn trong việc tránh lưới, bẫy và chó săn”.

Với số lượng rất ít ỏi và vị trí ở rất xa, một số loài động vật quý hiếm không nằm trong danh sách nguy cấp vì Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân loại chúng là “thiếu dữ liệu”.

Đơn vị Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã, Khoa Động vật học tại Đại học Oxford ở Anh, còn được gọi là WildCRU, đang nỗ lực để tạo ra sự khác biệt.

Tiến sĩ Gabriel H. Segniagbeto – Phó giáo sư về phân loại học và hệ thống động vật học tại Đại học Lomé, Togo, cho biết: “Cần phải thừa nhận tầm quan trọng của hệ thống khu bảo tồn Togo, nơi đóng vai trò như một thành trì quan trọng cho sự đa dạng phong phú của các loài động vật có vú hoang dã. Chúng tôi hy vọng phát hiện thú vị của chúng tôi – hình ảnh trực tiếp đầu tiên của linh dương hoẵng Walter trong tự nhiên – sẽ củng cố lời kêu gọi bảo vệ hơn nữa khu rừng và thảo nguyên còn lại của chúng ta”.