Câu chuyện về đập thủy điện Tam Hiệp

ThienNhien.Net – Đập Tam Hiệp của Trung Quốc là công trình thủy điện lớn nhất thế giới, được xây trên sông Dương Tử – con sông dài thứ 3 thế giới. Công trình này được kỳ vọng sẽ cung cấp hàng tỉ kilowatt (KW) điện cho đất nước đang phát triển mạnh mẽ này, song thực tế cũng đã gây ra vô số rắc rối và tranh cãi về những ảnh hưởng mà nó gây ra.

Vào năm 1992, mặc dù đối mặt với rất nhiều sự phản đối, nhưng Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự án xây dựng đập Tam Hiệp, với 1/3 tổng số đại biểu không tán thành hoặc bỏ phiếu trắng. Mặc dù các nhà sinh thái học, địa chất học và những người bảo vệ nhân quyền đã thẳng thắn góp ý về việc xây dựng con đập, nhưng dự án vẫn được triển khai và vào tháng 11/1997 đã hoàn tất việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đập, sông Dương Tử đã bị chặn lại.

Tháng 07/2008, các kĩ sư đã hoàn thành giai đoạn 2 của dự án đập Tam Hiệp. 19 trong số 22 cửa đập đã đóng khiến cho mực nước trong hồ chứa tăng lên hơn 100m vào buổi sáng đầu tiên hoạt động, song hậu quả đi kèm là hàng trăm thị trấn bị ngập. Các chuyên gia dự đoán khi dự án được hoàn thành vào năm nay (2009) sẽ có khoảng 365 thị trấn của 20 huyện bị ngập lụt bởi sự tăng lên của mực nước sông Dương Tử, khoảng hơn 700.000 người dân và thậm chí là 1,2 triệu người (theo dự báo của một số chuyên gia) sẽ phải di dời vì những nguyên nhân không thể lường trước.

Đầu tháng 08/2008, một số tổ máy phát điện của công trình đi vào hoạt động, cung cấp nửa triệu KW điện, và đến cuối năm 2008 là 5,5 tỉ KW. Dự tính từ năm nay, đập thủy điện sẽ sản xuất khoảng 80 tỉ KW điện cho Trung Quốc hàng năm.

Dự án đập Tam Hiệp còn cho phép các tàu vận chuyển khoảng 10.000 tấn hàng đi qua. Thêm vào đó, Tam Hiệp sẽ là hồ chứa nước trong suốt mùa lũ lụt ở Trung Quốc. Khi mực nước đạt ngưỡng 134m so với mực nước biển thì hồ sẽ chứa khoảng 70 tỉ m3 nước. Cho tới khi dự án hoàn thành, dung tích của hồ sẽ tăng lên thành 10 khoang chứa. Song, sự tăng thể tích này được đánh giá là sẽ không góp phần giảm lũ lụt vì hầu hết các trận lụt đều xảy ra ở phía hạ nguồn của con đập.

Người ta cũng nghi vấn rằng chất thải được tạo ra trong quá trình xây dựng và vận hành công trình có thể sẽ theo dòng nước sông Dương Tử trôi ra tận biển Đông. Những chất thải này – do những hoạt dộng công nông nghiệp – cùng với chất E.coli từ rác thải của con người sẽ khiến hồ chứa trở nên ô nhiễm. Hơn nữa, hồ chứa nước sẽ phải hứng chịu sự mất mát lớn về hệ sinh thái bởi đất bùn đất trong quá trình xây dựng và hoạt động của đập sẽ ngày càng tích tụ. Theo Chen Yiyu, phó chủ tịch Viện khoa học Trung Quốc, những biện pháp bảo vệ động thực vật sẽ được thực hiện vào năm 2010.

Tuy nhiên, chưa được 2 tuần sau khi chính thức hoạt động, đập Tam Hiệp đã có 80 vết nứt trên bề mặt. Người đứng đầu của hội đồng thanh tra, Pan Jiazhong, đã thông báo những vết nứt này sẽ không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức độ an toàn của con đập, mà chỉ tạo ra những lỗ rò rỉ nếu không được sửa chữa kịp thời.

Dù sao công trình thủy điện Tam Hiệp cũng đã đi đến giai đoạn cuối, chuyện gì đến cũng sẽ đến. Quan trọng là người ta sẽ ứng phó ra sao và thu được bài học gì từ câu chuyện đập Tam Hiệp.