Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học

ThienNhien.net – Chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai từ năm 2007, đến nay, có nhiều mô hình tại các huyện trên địa bàn thành phố, mở hướng phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững cho nhiều hộ nông dân.

Bà Nguyễn Thị Nga, nông dân xã Lê Lợi (An Dương) giới thiệu gia đình bà nuôi 500 con gà bố mẹ theo chương trình chăn nuôi gà an toàn sinh học của Trung tâm khuyến nông Hải Phòng từ năm 2007. Đến nay, mỗi tháng, gia đình thu lãi gần 4 triệu đồng. Tính toàn bộ 16 tháng nuôi, thu nhập hơn 66 triệu đồng.

Tại xã, hiện có 6 hộ cùng tham gia nuôi gà sinh sản theo phương pháp an toàn sinh học. Các hộ được trung tâm cung cấp 3000 con giống bố, mẹ đạt chất lượng, dòng mẹ giống Lương Phượng Hoa, dòng bố giống Sasso của Pháp. Toàn bộ số gà bố mẹ này được tiêm đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Trong quá trình nuôi, các hộ được Trung tâm khuyến nông hướng dẫn xây dựng chuồng trại khép kín với trang thiết bị chăn nuôi hiện đại như hệ thống chống nóng, máng ăn uống tự động, hệ thống quạt hút, điện sưởi, bạt che tự động và ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi mới, an toàn thú y.

Sản phẩm gà giống sau mỗi đợt nuôi được Công ty cổ phần gà giống Lượng Huệ trực tiếp thu mua để cung ứng cho người chăn nuôi. Trung tâm khuyến nông Hải Phòng cũng triển khai mô hình chăn nuôi gà sinh sản an toàn tại xã Hồng Phong (An Dương). Kết quả bước đầu, tỷ lệ gà sống 95-97%, tỷ lệ gà đẻ từ tuần 33 ổn định trên 60%, 96% số trứng được ấp nở thành gà con làm giống chăn nuôi chất lượng. Thu nhập ban đầu của các hộ tham gia mô hình 55-60 triệu đồng/ đợt.

Trước khi triển khai mô hình chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng đã triển khai thành công chương trình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại 7 huyện. Theo trưởng Trạm khuyến nông huyện An Lão, đến nay, chương trình chăn nuôi gà, vịt năng suất cao, an toàn sinh học tại 2 xã Chiến Thắng và An Thái đang giúp các hộ dân đạt thu nhập cao, từng bước tạo chuyển biến tập quán chăn nuôi gia cầm tiến bộ, phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trưòng và sức khoẻ cộng đồng. Nhiều hộ chăn nuôi ở hai xã này đã quen với việc xây dựng chuồng trại hiện địa, khép kín, cách xa khu dân cư ít nhất 300m, tự nguyện thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Các hộ tham gia chương trình chăn nuôi gà thịt an toàn được Trung tâm Khuyến nông cung cấp cho gà giống Rilai khỏe mạnh, sạch bệnh, tiêm đủ các loại vắc- xin phòng bệnh. Sau 1 năm, mỗi hộ tham gia mô hình đạt lãi 24.000đồng/con gà xuất bán. Đối với mô hình chăn nuôi vịt thịt năng suất cao tại xã Chiến Thắng, trừ chi phí, lãi 20.000đồng/ con. Toàn bộ số gia cầm trong các mô hình đều khỏe mạnh, chưa xuất hiện bệnh truyền nhiễm nào sau 2 năm triển khai thực hiện.

Ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hải Phòng khẳng định, mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học của trung tâm đang được nhân rộng rất nhanh tại các địa phương. Bên cạnh sự hỗ trợ về con giống, thức ăn, các loại vắc-xin, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, phun thuốc khử trùng của khuyến nông, nhiều hộ tự nguyện bỏ kinh phí để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm tập trung theo phương pháp an toàn sinh học. Số lượng gia cầm chăn nuôi theo phương pháp này hiện đã tăng gấp 2 lần lượng gia cầm nuôi trong các mô hình. Tại các huyện đều triển khai chương trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học. Một số địa phương mạnh dạn mời các doanh nghiệp cùng “vào cuộc” hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học. Năm 2009, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng tiếp tục nhân rộng mô hình này trên diện rộng, tạo hướng phát triển chăn nuôi bền vững.