Nâm dược liệu

ThienNhien.Net _ Trước sự xuất hiện của nhiều loại bệnh mới trên toàn cầu người ta không ngừng nghĩ đến cách chữa bệnh tự nhiên hoặc dùng các chất có nguồn gốc tự nhiên, trong đó, nấm dược liệu đóng một vai trò hết sức quan trọng, đem lại sự sống, sức khoẻ, tuổi thọ cho nhiều người trên thế giới.

Trong số 15.000 loài nấm muôn màu muôn vẻ, người ta đã tìm được được 200-300 loài nấm có ý nghĩa về giá trị dinh dưỡng cũng như tác dụng phòng chống bệnh. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính – Bộ môn Vi sinh Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, một số loài nấm dược liệu như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nấm búp, nấm đồng tiền, nấm đầu khỉ, nấm thượng hoàng, nấm vua… có những tác dụng thần kỳ đối với nhiều loại bệnh.

Có những loài nấm độc chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng đủ làm đông màu hoặc ngừng hoạt động của cơ tim, nhưng cũng có những loài nấm rất kỳ diệu, một lượng nhỏ cũng đủ giải độc cho cơ thể, cung cấp yếu tố cần thiết, phục hồi chức năng trí tuệ của các cơ quan khác và làm tan u. Các hoạt chất từ nấm được rất nhiều quốc gia ngay cả những nước có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đi sâu nghiên cứu.

Nấm Linh chi

Các tác giả trên thể giới đã xác định nấm Linh chi (loài Ganoderma Iucidum) có chứa 119 chất và các dẫn xuất của nó, mỗi chất đều có ý nghĩa chống u, tăng tế bào giết tự nhiên để diệt tế bào lạ (antioxydant), khử gốc oxy tự do, giảm đau, chống virus, vi khuẩn, chống mệt mỏi, tác động vào tế bào lympho T tăng trí nhớ… Đây được coi là một thần dược.

Linh Chi có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch cơ thể, nâng cao khả năng bao vây và sát thương của tế bào miễn dịch đối với tế bào ung thư, hình thành nên một lớp sợi dày và kiên cố chung quanh khối u, bao vây và cắt đứt nguồn dinh dưỡng cung cấp cho khối u, từ đó làm chậm lại hoặc kìm hãm sự phát triển của khối u.

Đông trùng Hạ thảo (ĐTHT)

Loại nấm này lần đầu tiên được nuôi trồng thành công tại Việt Nam bằng công nghệ đặc biệt của PGS.TS Nguyễn Thị Chính. ĐTHT có nguồn gốc tự nhiên ở một số vùng Tây Tạng, Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam…, có nhiều đặc tính quý, được lưu hành ở Trung Quốc và trên thế giới từ lâu.

Tác dụng kỳ diệu của ĐTHT với hai loài nổi tiếng là Cordyceps sinensisCordyceps militaris đã được nhiều tác giả chứng minh. Ngoài các chất dinh dưỡng như protein, đường, lipid, khoáng, vitamin… còn có các hoạt chất sinh học khác như adenosin, cordycepin, militarin, sterol, polysaccharid…

Theo những nghiên cứu gần đây, loại nấm này có rất nhiều tác dụng với sức khoẻ, đặc biệt là chống nhiều loại ung thư như: ung thư máu, ung thư phổi, ung thư gan, dạ dày, tuyến tiền liệt, ung thư vú.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chính, ĐTHT có nhiều hoạt chất sinh hoạt nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, trung hoà chất độc, bảo vệ gan, thận, chống lại một số vi sinh vật gây bệnh trừ đờm, giảm hen, phòng chống phù thũng, tốt cho hệ bài tiết, tim mạch…

ĐTHT là loài dược liệu rất quý, rất đắt, nhưng được nhiều người tin dùng.

Nấm Thượng hoàng

Theo kết luận của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Methodist (Mỹ), chiết xuất từ nấm Thượng hoàng có thể giúp chống ung thư vú. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng cho thấy nấm Thượng hoàng cũng có đặc tính chống khối u ở các tế bào ung thư da và tiền liệt tuyến.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Chihara tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc gia Tokyo tại Nhật Bản từ năm 1976 thử tác dụng chống khối u của dịch chiết nước nóng của 27 loài nấm thì nấm Thượng Hoàng cho tỉ lệ ức chế các khối u là cao nhất 96,7% so với nấm mèo là 42,6%, nấm mỡ là 2,7%, nấm cổ linh chi là 64,9%.

Loại nấm này đã được sản xuất ở dạng sinh khổi sợi của Hàn Quốc mang tên thuốc Mesima, sản xuất trên quy mô công nghiệp, khả năng chống u đạt 96,7%.

Nấm Vân chi

Các nhà khoa học tìm thấy trong nấm Vân Chi loại hợp chất đa đường PSK (polysaccharide loại Krestin) và loại đạm-đa đường PSP (polysaccharopeptid PSP), hợp chất Y-A2, Hericenon A và Hericenon B, có tác dụng ức chế tế bào ung thư và nâng cao hoạt tính miễn dịch của cơ thể.

Người ta dùng nấm Vân Chi để chữa bệnh viêm gan do virút HBV và hạn chế quá trình phát triển của ung thư gan, ung thư tử cung và nhiều loại ung thư khác. Thuốc Copolang – chiết xuất từ nầm Vân chi, được báo chí Mỹ hết lời ca ngợi và bán chạy nhất ở Nhật Bản trong những năm qua.
Nấm hương

Sách Đông y viết về nấm hương vị ngọt tính bình, có công dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng huyết, hòa huyết, tiêu đờm. Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định: nấm hương có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi thận và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hoá… Vì vậy đây được coi là thực phẩm cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng…

Các nhà khoa học đã chiết xuất được chất Lentinan và Lentinula Edodes mycelium (LEM) từ nấm hương. Đây là 2 chất chính tạo nên tác dụng dược lý của loại nấm này. Một nghiên cứu tại Nhật cho thấy, những bệnh nhân ung thư đang hóa trị nếu dùng thêm Lentinan thì hiệu quả hóa trị sẽ tăng lên, khả năng sống sót cao hơn và sự tiến triển của ung thư sẽ bị kìm hãm. Vì vậy ở Nhật, Lentinan đã được chấp nhận như một liệu pháp phụ trợ trong tiến trình dùng hóa trị liệu.

Nấm mỡ

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, các nghiên cứu trong suốt thời gian 25 năm qua đều chỉ ra rằng nấm mỡ Blazei có tác dụng rất lớn trong việc phòng và chống ung thư. Theo các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, nấm mỡ Blazei có hiệu quả phòng ung thư đạt tới 99.4% và hiệu quả điều trị ung thư cũng đạt tới 90 %. …

Hiện nay, nấm mỡ Blazei đang được sử dụng rộng rãi trong trị liệu ung thư ở nhiều nước châu Á. Điều đáng lưu ý là nấm mỡ Blazei là một loại nấm ăn ngon, giàu dinh dưỡng và không gây ra bất kỳ một phản ứng phụ nào có hại đối với cơ thể con người.

Ngoài những loài nấm trên, có thể kể đến một số loài nấm rất hữu ích đối với sức khoẻ như nấm Mặt trời, nấm Đầu khỉ.

Nấm Mặt trời (hay nấm Búp), là loại nấm thực phẩm siêu cao nhưng hoạt lực chống u lên đến 99.4%. Nấm Đầu khỉ có khả năng chống u đạt 63-74%, đặc biệt với u đường tiêu hoá.

Ở Việt Nam hiện nay, một số loài nấm dược liệu đã được nghiên cứu nuôi trồng và chế biến dạng Thực phẩm chức năng như Linh chi, Vân chi, Đầu khỉ, ĐTHT… đã và đang hỗ trợ điều trị một số bệnh nhân Viêm gan B, tiểu đường, khối u, viêm loét dạ dày và một số loại bệnh khác khá hiệu quả.

Trong thế kỷ 21 này, việc tuyên truyền phát động phong trào sản xuất nấm dược liệu và trồng cây thuốc Nam hoặc kết hợp khéo léo giữa Đông y và Tây y chắc chắn sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tăng tuổi thọ.