Brazil: Sự bùng nổ năng lượng sinh học đe dọa rừng Amazon

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên đáng báo động bởi sự phát triển quá nóng về nhu cầu năng lượng thì năng lượng sinh học đang là bước đi tiên phong cho một cuộc cách mạng công nghệ xanh. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ, phát triển hợp lý thì ngành này chưa chắc đã “xanh” thực sự và mang lại lợi ích cho môi trường. Sự bùng nổ năng lượng sinh học ở Brazil cũng đang khiến các nhà môi trường lo ngại cho rừng rậm nhiệt đới Amazon.

Theo Ủy ban Năng lượng Quốc gia Brazil: “Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử nước này, sản lượng tiêu thụ ethanol làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông đã vượt sản lượng tiêu thụ xăng dầu. Tại Brazil, mỗi năm sản lượng tiêu thụ loại năng lượng sinh học này tăng 45% và đến nay đã đạt đến con số 16 tỷ lít.

Ethanol rẻ hơn so với xăng, nó được chiết xuất từ cây mía thông qua một quá trình lên men rượu giống như trong các nhà máy sản xuất đường.

Brazil là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới sản xuất loại năng lượng sinh học này, sau Hoa kỳ – quốc gia sản xuất ethanol từ cây ngô. Sản lượng sản xuất ethanol của Hoa Kỳ hiện nay đã tăng lên gấp 5 lần, trong khi đó tại Brazil hầu hết các cây xăng cũng đã được thay thế bằng ethanol.

Đầu tư sản xuất năng lượng sinh học đang được kỳ vọng sẽ đạt đến con số 100 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên những tác động tới môi trường của ngành công nghiệp này cũng là khá nghiêm trọng. Điển hình, việc phá bỏ những khu rừng rậm nhiệt đới Amazon để lấy đất phục vụ trồng cây nguyên liệu có thể đẩy nhanh quá trình nóng lên của trái đất, một mặt do lượng khí cacbonic khổng lồ tạo ra từ việc đốt cháy rừng, mặt khác do lượng khí oxy tạo ra cũng giảm tương ứng.