Bước đột phá về khái niệm trong giải quyết nạn nghèo toàn cầu

ThienNhien.Net – Nhóm Tỷ Người dưới Đáy Xã hội – nhóm người nghèo nhất thế giới chỉ sống với chưa đến một đôla mỗi ngày – đang có cơ hội thoát nghèo mới với việc một Báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), một trong số các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, được công bố ngày 23/2/2009. Báo cáo mang tên “Phát triển Công nghiệp 2009 –
Thâm nhập và Tiến lên phía trước: Thách thức Công nghiệp Mới cho Các nước có người dân thuộc nhóm Tỷ Người dưới Đáy Xã hội và Các nước có Thu nhập Trung bình”

Ngày 23/2/2009, với sự hỗ trợ của Bộ Phát triển Quốc tế (Department for International Development – DFID) và Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung (Foreign and Commonwealth Office – FCO) của Anh, Báo cáo Phát triển Công nghiệp 2009 được công bố tại cuộc họp gồm hơn hai trăm nhà lãnh đạo và những người có nhiều ảnh hưởng trong lĩnh vực chính trị, phát triển, và kinh doanh được tổ chức tại Lancaster House, Luân Đôn.

Hơn một tỷ người (nhóm “Tỷ Người dưới Đáy Xã hội”) trong tổng số 6,7 tỷ dân trên toàn thế giới hiện đang tồn tại với ít hơn một đô la mỗi ngày. Mục đích của Báo cáo này là giúp họ thoát nghèo.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng và sâu sắc hơn, Báo cáo vẫn xác định được một tập hợp các chính sách mang tính toàn diện giúp các quốc gia có thu nhập thấp cũng như các quốc gia có thu nhập trung bình nhưng tăng trưởng chậm thoát ra khỏi “bẫy nghèo”, đạt được mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc và phát triển bền vững nhờ tiến hành công nghiệp hoá tạo giá trị.

Tổng Giám đốc UNIDO, TS Kandeh Yumkella, phát biểu: “Báo cáo của chúng tôi đưa ra một bước đột phá lớn mang tính khái niệm về cách giải quyết nạn nghèo toàn cầu thông qua phát triển công nghiệp bền vững. Các quốc gia có người dân thuộc nhóm Tỷ Người dưới Đáy Xã hội sẽ có thể tự xây dựng được những giải pháp riêng, phù hợp với họ, để thoát nghèo thành công, dựa trên những phát hiện trong quá trình nghiên cứu và các trường hợp nghiên cứu điểm được trình bày trong Báo cáo này.”

Những điểm nổi bật của Báo cáo bao gồm:

– Giúp giảm nghèo toàn cầu bằng cách hỗ trợ các quốc gia có người dân thuộc nhóm “Tỷ Người dưới Đáy Xã hội” tạo ra nhiều của cải hơn nhờ đảm bảo hiệu quả kinh tế và tiến hành công nghiệp hoá thông minh – lựa chọn đúng sản phẩm để sản xuất cho thị trường toàn cầu.

– Hỗ trợ cho nỗ lực của các nước nghèo thâm nhập các thị trường quốc tế bằng cách nâng cao năng lực cung ứng xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn.

– Xác định những chính sách có thể giúp các nước nghèo nhất cũng như những nước có thu nhập trung bình nhưng tăng trưởng chậm thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp vượt bậc.

– Đề xuất một phạm trù phân loại mới của Liên hợp quốc, “các quốc gia sản xuất công nghiệp kém phát triển nhất”, mà Tổ chức Thương mại Thế giới có thể sử dụng để áp dụng các chính sách ưu đãi thương mại cho những sản phẩm công nghiệp chế biến xuất khẩu của những nước có thu nhập thấp.

– Khuyến nghị các nước phát triển giúp những nước nghèo nhất – thông qua “Ưu đãi Thương mại Tạm thời” – kết hợp với một số quy định đơn giản và tự do hơn về “nước xuất xứ”, cho phép những nước nghèo nhất có thể bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến.

– Vận động một khung “Viện trợ cho Phát triển Thương mại” mới nhằm giúp các nước nghèo nhất tận dụng được các cơ hội mở cửa thương mại thông qua một cách tiếp cận mục tiêu hơn.

Báo cáo chỉ ra rằng xu hướng toàn cầu hướng tới việc sản xuất và kinh doanh trên cơ sở phân công nhiệm vụ tạo ra cơ hội mới giúp các nước nghèo hơn cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu. Báo cáo nhấn mạnh khái niệm sản xuất dựa trên nhiệm vụ được phân công, hay là sản xuất những bộ phận riêng lẻ cấu thành nên những sản phẩm có thể tiêu thụ được, hơn là chế tạo ra toàn bộ sản phẩm hoàn chỉnh. Báo cáo nêu rõ rằng mức độ lợi ích mà các nước có nhóm Tỷ người dưới Đáy Xã hội có thể được hưởng từ những cơ hội mới được tạo ra nhờ sản xuất dựa theo nhiệm vụ sẽ phụ thuộc vào các lựa chọn chính sách của họ.

Báo cáo này trình bày mười công trình nghiên cứu điểm thực hiện tại một số địa phương có hoạt động công nghiệp tích cực ở các nước đang phát triển. Những nghiên cứu này minh chứng rằng các chính sách đúng đắn đã tạo ra được những khác biệt lớn trong phát triển kinh tế ở các nước này. Các quốc gia chuyên sản xuất bộ phận riêng rẽ của một sản phẩm, chứ không sản xuất cả một sản phẩm hoàn chỉnh, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Ví dụ về thành phố Kiều Đầu (Qiaotou), Trung Quốc, đã xây dựng nền công nghiệp của mình trên cơ sở sản xuất cúc áo và hiện nay chiếm tới sáu mươi lăm phần trăm sản lượng cúc áo được sản xuất trên toàn thế giới, là một trường hợp điển hình minh chứng cho nhận định này.

Báo cáo cũng công nhận tầm quan trọng của liên kết công nghiệp; năng suất có khuynh hướng tăng hơn khi các công ty sản xuất công nghiệp tập hợp lại với nhau thành cụm.

Thêm vào đó, trong Báo cáo này, UNIDO đã cập nhật một công cụ hữu hiệu – Chỉ số Thành tích Công nghiệp Cạnh tranh – giúp các nước đối chuẩn tiến độ phát triển của mình.

Cuối cùng, Báo cáo đưa ra thêm bằng chứng chứng minh rằng các nước nghèo hơn không nên phụ thuộc vào việc xuất khẩu các mặt hàng chưa qua chế biến để tạo ra nguồn vốn cho phát triển. Giá bán hàng hoá luôn dao động theo diễn biến bất ổn của thị trường quốc tế. Sự phát triển dựa trên hàng hoá cũng có thể không khuyến khích sản xuất công nghiệp tăng trưởng và cản trở việc phát triển sâu rộng và phân phối thu nhập công bằng hơn.

Trong ngắn hạn, việc dựa vào tài nguyên thiên nhiên có thể đem lại thịnh vượng cho một vài quốc gia, nhưng việc chuyển đổi thu nhập thành tài sản sản xuất để phát triển bền vững và sâu rộng là việc khó khăn hơn nhiều. Vì thế cần tăng cường sản xuất công nghiệp dựa vào nhiệm vụ được phân công để nắm bắt được các phân đoạn thị trường và làm xúc tác cho sự phát triển sâu rộng hơn.


UNIDO (www.unido.org) là một tổ chức chuyên môn của hệ thống Liên hợp quốc, hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghèo trên thế giới bằng cách giúp các quốc gia đạt được sự tăng trưởng công nghiệp bền vững. UNIDO xem  phát triển công nghiệp là một biện pháp tạo việc làm và thu nhập để giải quyết nạn đói nghèo. Tổ chức giúp các nước đang phát triển và những nền kinh tế trong thời kỳ quá độ sản xuất ra những hàng hoá mà họ có thể tiêu thụ được trên thị trường toàn cầu. Tổ chức cũng cung cấp hỗ trợ dưới hình thức cung cấp những công cụ như tập huấn, công nghệ, và đầu tư, để giúp họ có khả năng cạnh tranh. Đồng thời, Tổ chức cũng khuyến khích những quy trình sản xuất không làm tổn hại môi trường và cũng không tạo gánh nặng quá lớn lên những nguồn năng lượng có hạn của từng quốc gia. UNIDO có 173 quốc gia thành viên và Trụ sở đặt tại Viên, Áo.