Biểu tượng quốc đảo Indonesia bị đe dọa

ThienNhien.Net – Theo một báo cáo đăng trên số mới nhất của Tạp chí Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Oryx, một trong những loài động vật quý hiếm nhất thế giới hiện nay, loài đại bàng diều Java, biểu tượng của đất nước Indonesia, đã trở thành mục tiêu của những kẻ buôn bán động vật trái phép kể từ khi được công bố nằm trong danh sách các loài động vật quý hiếm của quốc gia này.

Năm 1993 dưới thời cựu tổng thống Indonesia Soeharto, loài đại bàng diều Java được tuyên bố xếp vào danh sách các loài động vật quý hiếm quốc gia và có nguy cơ tuyệt chủng. Trước đó, những kẻ buôn bán động vật hoang dã chưa nhận thức được sự khác nhau giữa loài đại bàng diều Java với loài đại bàng khác nên ít buôn bán loài này. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố bảo vệ đặc biệt này, nhu cầu đã tăng vọt.

Chris R Shepherd, chuyên viên cấp cao chương trình TRAFFIC Đông Nam Á, đồng tác giả của bản báo cáo cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng sự tuyên bố rầm rộ và gắn chúng làm biểu tượng cho động vật hoang dã của Indonesia là lí do chính khiến cho tình trạng buôn bán trái phép gia tăng trong thời gian qua.”

Tại Indonesia, nhu cầu nuôi chim làm vật nuôi trong gia đình tăng nhanh đã dẫn tới việc hàng vạn con chim hoang dã bị buôn bán hàng ngày ở ngay các chợ chim vốn rất phổ biến ở hầu hết các thị trấn lớn. Mặc dù việc săn bắt chim đã được quản lý bởi pháp luật nhưng cảnh tượng các loài chim được rao bán đã trở nên rất phổ biến. Trong vòng 20 năm trở lại đây, 70 con đại bàng diều Java đã được buôn bán, mà phần lớn tập trung trong thời gian gần đây.

Mối quan tâm đến loài đại bàng diều Java đã làm tăng nhu cầu ở các vườn thú cũng như các nhà sưu tầm cá nhân. Đồng thời, có bằng chứng để kết luận rằng đại bàng diều Java đang được buôn bán trái phép ở nước ngoài. Theo Tổ chức Bảo tồn Chim Quốc tế, ước tính trên thế giới hiện nay chỉ còn khoảng 600 đến 900 cá thể đại bàng diều Java.

Đồng tác giả của bản báo cáo, Vincent Nijman thuộc trường đại học Oxford Brookes, cho biết: “Qua báo chí, website và các diễn đàn trên mạng tại Indonesia, chúng tôi có những bằng chứng cho thấy ít nhất 4 con đại bàng diều Java đang bị bắt giữ làm vật nuôi trong gia đình hoặc được rao bán vào năm 2008, tất cả đều có nguồn gốc tự nhiên. Hai trong số chúng đã bị thu giữ và thả về rừng Tây Java, nhưng chúng ta vẫn khó mà biết được chính xác còn bao nhiêu con đại bàng diều Java đang bị bắt giữ làm vật nuôi.”

Những phát hiện của bản báo cáo này đã củng cố thêm cho nghiên cứu do Courchamp công bố tháng trước trên tờ Proceedings of the Royal Society cho rằng khi con người nhận thức được giá trị của các loài động vật quý hiếm, động lực kinh tế sẽ khiến họ cố gắng để khai thác những cá thể còn lại.

Shepherd kết luận: “Việc nhấn mạnh cam kết bảo vệ các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng cũng có mặt trái của nó. Nâng cao hiểu biết và nhận thức về các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng vì thế cần có sự hỗ trợ đồng thời của luật pháp nhằm thực thi có hiệu quả công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã. Chính phủ Indonesia vẫn còn cơ hội phối hợp cùng các tổ chức phi chính phủ để duy trì một tương lai tốt đẹp hơn cho đại bàng diều Java.”

Loài đại bàng diều Java được liệt vào phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Đặc biệt hơn, loài này nhận được sự bảo vệ đặc biệt do tổng thống Indonesia với quy định: Ngoài việc được công ước CITES xác thực, các loài này cần có sự cho phép của tổng thống trước khi được xuất ra nước ngoài.