Cây Bìm bôi – loài thực vật xâm lấn nguy hiểm

ThienNhien.Net – Cây Bìm bôi có tên khoa học là <i>Merremia boisiana </i> thuộc họ Bìm bìm (<i>Convolvulaceae</i>), lá giống lá khoai lang nên có người gọi là cây Lang rừng hoặc cây Lá bạc, là loài dây leo gỗ rất to với đường kính thân có thể đến 8cm, leo cao khoảng 10m và có hoa hình phễu hay hình chuông màu vàng. Loài cây này phát triển rất nhanh, xanh tốt quanh năm và có hiệu suất quang hợp cao. Đây là loài thực vật xâm lấn nguy hiểm cần phải loại trừ.

PGS.TS. Trần Đình Hoè, Trường ĐHQG Hà Nội cho biết: Loài cây leo nguy hiểm này có nguồn gốc ở vùng khí hậu nhiệt đới đảo Hải Nam và khu Tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây- Trung Quốc), được gọi là Jinzhongteng hoặc Sát thủ kiều mộc. Chúng cực kỳ nguy hiểm.

Bìm bôi phát tán rất nhanh bằng hạt, chồi, rễ và thân. Chim, thú gặm nhấm ăn rồi thải hạt đi khắp nơi giúp cây phát tán rộng hơn. Chúng leo đè lên các cánh rừng Thông, Keo lá tràm hay bất cứ cây thân gỗ nào để “chiếm đoạt” ánh sáng. Do tán lá rộng và dày đặc nên đã che kín không gian, khiến thảm thực vật bên dưới bị chết sau một thời gian thiếu ánh sáng. Lớp thực vật chết tạo nên lớp lá khô rất dễ gây cháy rừng. Một số vụ cháy rừng thông ở vùng rừng cấm Hải Vân trong những năm qua đều có liên quan đến loài Bìm bôi.

Cây Bìm bôi xâm nhập vào nước ta khoảng mấy chục năm trước đây, mọc ở dưới chân đèo Hải Vân. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện ở Việt Nam chi Bìm bìm có tới 17 loài và 3 thứ.

Loài Bìm bôi đã thấy xuất hiện ở Sa Pa (Lào Cai), Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vườn quốc gia Bạch Mã, Nam Đông (Thừa Thiên- Huế), các đai cao của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và Bà Nà (Đà Nẵng)… Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, hiện có khoảng 15.000ha/55.000ha rừng ở đây đã bị loại dây leo này che phủ, trong đó rừng Sơn Trà 5.000 ha và rừng Hải Vân 10.000ha. Đó là chưa kể các khu rừng ở Hoà Phú, Hoà Ninh, Hoà Bắc (huyện Hoà Vang) cũng đã phát hiện sự có mặt của cây này.

Để tiêu diệt loài cây này, tỉnh Đà Nẵng đã chi 100 triệu đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thử nghiệm phương pháp diệt Bìm bôi trên diện tích 80ha của rừng cấm quốc gia Sơn Trà. Hiện do chưa nhận thức đúng về mức độ nguy hiểm của cây Bìm bôi, nên cây này đã được trồng trên các sườn núi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh – Trường Sơn để phòng chống sụt lở đất.