Thái Bình: Cảnh báo ô nhiễm khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Thái Bình chủ trương phát triển nhiều khu công nghiệp tập trung. Có thể khẳng định rằng, đây là hướng đi đúng và cần thiết, vì sự ra đời của các khu công nghiệp (KCN) đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế thuần nông của tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương vốn đã quá dư thừa. Song, điều đáng báo động là do quy hoạch khẩn trương và không đồng bộ, nên vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN hiện nay đang có nguy cơ dần trở thành những “điểm nóng”.

UBND tỉnh Thái Bình đã quy hoạch mạng lưới các KCN, cụm công nghiệp. Theo đó, đến năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 13 KCN và cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích gần 2.000 ha. Song, hiện nay đã có 5 KCN được xây dựng và đang đi vào hoạt động: KCN Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Phong (thành phố Thái Bình); KCN Tiền Hải (huyện Tiền Hải) và KCN Cầu Nghìn (huyện Quỳnh Phụ). Các khu công nghiệp này đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chủ yếu ở các lĩnh vực dệt may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản… và đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động.

Để thu hút đầu tư sản xuất vào các KCN, tỉnh Thái Bình đã có nhiều chính sách ưu đãi như giảm giá thuê đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân công và nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng khác… Tuy nhiên, khi triển khai đầu tư xây dựng, nhiều chủ đầu tư chỉ chạy theo hiệu quả kinh tế trước mắt, không chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo quy định, các KCN phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, phải có bãi chứa rác thải rắn…; nhưng trên thực tế có rất ít KCN trong tỉnh tuân thủ quy định này.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi so với nhiều hạng mục xây dựng khác, thì việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải rất tốn kém, nhất là trong hoàn cảnh thiếu vốn đầu tư như hiện nay. Ngoài ra, doanh nghiệp trong các KCN sản xuất nhiều ngành hàng khác nhau, nên vấn đề xử lý nước thải cũng không hề đơn giản. Chính vì thế mà nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vẫn được đổ thẳng ra các sông suối, kênh mương… gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Hiện, hầu hết các KCN trong tỉnh Thái Bình chưa có hệ thống xử lý nước thải, bãi chứa và xử lý chất thải rắn độc hại, không hệ thống xử lý khói độc, âm thanh… Đây là hồi chuông cảnh báo vì hiện nay các KCN trong tỉnh Thái Bình mới bắt đầu đi vào hoạt động hoặc hoạt động chưa hết công suất, nhưng sau này khi mở rộng sản xuất thì nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các KCN còn tiềm ẩn rất cao!

Nhằm bảo vệ môi trường tại các KCN, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách, chương trình thể hiện bằng các văn bản, nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ ngành. Tuy nhiên, việc triển khai ở Thái Bình còn rất nhiều hạn chế… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Trong hoàn cảnh giá thuê đất các KCN ở Thái Bình không thực sự đắt, nếu không có giám sát chặt chẽ việc quản lý môi trường thì rất dễ đến tình trạng đơn vị đầu tư xây dựng KCN và các doanh nghiệp đầu tư bỏ qua vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.

Bởi nếu điều kiện đặt ra các doanh nghiệp khi vào KCN phải xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ đạt tiêu chuẩn thì khó có thể thu hút được doanh nghiệp đến thuê đất. Mâu thuẫn này thể hiện rõ nhất đối với các KCN có nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, vốn hạn chế, khó chấp nhận khi phải thêm gánh nặng đầu tư trạm xử lý nước thải…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thái Bình đã nghe các ngành chức năng tham mưu về việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN trong tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng khu xử lý nước thải công nghiệp và có bãi rác thải rắn tập trung. Đồng thời đề ra nhiều biện pháp mạnh như kiểm soát, thanh tra chặt chẽ môi trường tại các KCN, bắt buộc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; khuyến khích đổi mới thiết bị công nghệ, thay đổi sản phẩm, đóng cửa và di dời các đơn vị cũ gây ô nhiễm môi trường…

Hy vọng bằng những biện pháp mạnh này, tỉnh Thái Bình sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN.