Bạc Liêu: Phát triển nghề nuôi tôm bền vững

ThienNhien.Net – Đầu tư chiều sâu, bảo vệ tốt môi trường vùng nuôi tôm là chiến lược phát triển nghề nuôi tôm của Bạc Liêu từ nay đến năm 2015. Tỉnh sẽ ổn định diện tích tôm nuôi như hiện nay khoảng 115-120 ngàn ha, không mở rộng thêm diện tích, tôm nuôi công nghiệp không quá 15 ngàn ha.

Bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm

Năm 2009, Bạc Liêu tập trung các nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho vùng chuyên tôm phía Nam; đưa vào sử dụng các trại sản xuất tôm giống tại chỗ ở các huyện Đông Hải, thị xã Bạc Liêu. Tỉnh kiên quyết chỉ đạo nuôi tôm tuân thủ đúng lịch thời vụ, buộc các cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản không được mua bán, tàng trữ các loại thuốc trong danh mục cấm lưu hành; khuyến cáo người nuôi tôm chỉ dùng những loại thuốc thú y thủy sản được phép sử dụng đồng thời thả nuôi luân canh tôm với các loại thủy sản khác như cua, cá kèo, cá chình…

Sau vài năm chuyển dịch, người tôm tôm ở Bạc Liêu đã tích lũy được nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá trong việc chung sống cùng con tôm, vật nuôi “đỏng đảnh” khó tính, mau giàu, nhưng cũng rất dễ nghèo nếu như thất bại một hoặc 2 vụ thả nuôi.

Bài học lớn nhất được tỷ phú tôm Sáu Ngoãn (xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu), đúc kết như khẩu hiệu của nghề nuôi tôm “bảo vệ môi trường là bảo vệ nồi cơm”. Sáu Ngoãn, người có diện tích nuôi tôm nhiều nhất với trang trại nuôi tôm gần 100 ha vừa mua vừa thuê và có mức thu hoạch tôm một lần lớn nhất, thu lãi gần 10 tỷ đồng chỉ trong một mùa tôm.

Thành công của Sáu Ngoãn có nhiều yếu tố, nhưng trong đó vấn đề bảo vệ tốt môi trường ao nuôi theo hướng, “tôm sạch bệnh – nước sạch khuẩn – thức ăn sạch” và bảo vệ cảnh quan xung quanh khu vực nuôi là một trong những mấu chốt quyết định sự thành công của anh trong nhiều vụ nuôi tôm liên tiếp.

Lâu nay, khi đến vùng nuôi tôm, nhất là vùng nuôi tôm công nghiệp, người ta chỉ thấy toàn nắng chói chang và nước trong những vuông tôm, tuyệt nhiên không thấy bóng cây. Lý do của tình trạng này là vì người nuôi sợ con tôm thiếu “khí” oxy, nên đốn hạ hết cây cối xung quanh. Còn với Sáu Ngoãn, anh dùng hệ thống sục khí bố trí dày để tăng lượng oxy cho con tôm và giữ một phần cảnh quan thiên nhiên để chống sốc nắng cho con tôm khi gặp nắng hạn gay gắt. Bài học thực tiễn này rất có ý nghĩa trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường cho vùng nuôi tôm.

Một vài năm trước đây, bà con quan niệm: nuôi tôm phải thả một độ dày đề phòng ngừa “rủi ro” theo kiểu mất con này còn con kia. Thực tiễn được đúc kết cho thấy: Chính vì thả mật độ quá dày dẫn đến tình trạng thiếu oxy cho tôm, cho thức ăn nhiều, dư lượng thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao, nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân phát sinh bệnh tật đối với con tôm, đó là chưa nói đến tình trạng tốn kém chi phí rất nhiều cho số lượng giống thả nuôi, thức ăn cho tôm, nạo vét ao… sau mỗi vụ nuôi.

Đối với diện tích nuôi tôm trong khu vực Bắc quốc lộ 1, vùng ngọt hóa cũ, việc giữ gìn ổn định môi trường càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khu vực này hiện còn trên 74 ngàn ha đất trồng lúa năng suất, chất lượng cao, cho sản lượng lúa hàng năm từ 550-600 ngàn tấn. Toàn vùng được tổ chức sản xuất theo mô hình lúa – tôm, hoặc lúa – thủy sản khác, không cho tổ chức nuôi tôm công nghiệp thuần túy. Những mô hình này sau hơn 2 năm thử nghiệm đã cho thành công mỹ mãn và diện tích luân canh lúa tôm và thủy sản khác đã lên đến hơn 20 ngàn ha và được chính nông dân tự nguyện tiếp nhận tổ chức lại sản xuất, chứ không còn cảnh chỉ “chăm bẵm” vào con tôm như trong 2 năm đầu khi mới chuyển dịch.

Trong năm nay, ngành thủy sản Bạc Liêu sẽ đưa vào sử dụng 2 trại thực nghiệm sản xuất tôm giống nước mặn – nước lợ, một trại giống thủy sản cấp 1 ở xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu và hình thành cụm sản xuất tôm giống ở các xã phía Nam như Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lợi), Long Điền Tây (huyện Đông Hải). Các cơ sở này cùng với 2 doanh nghiệp sản xuất con giống 100% vốn nước ngoài và hơn 500 cơ sở tư nhân sản xuất kinh doanh con giống đang hoạt động trên địa bàn sẽ đáp ứng từ 45 – 50% lượng con giống sạch bệnh tại chỗ cho người nuôi tôm trong tỉnh, ước khoảng từ 3 – 5 tỷ con tôm sú giống loại Post 15. Số còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh nhưng áp lực về con giống đã giảm, mầm bệnh sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn nhờ hệ thống thiết bị kiểm tra hiện đại mới được đầu tư cho các trạm kiểm dịch giống thủy sản. Các kỹ thuật về cách xử lý nước, mật độ thả giống, cách cho ăn, chăm sóc, phát hiện bệnh, phòng trị bệnh cho tôm, lịch thời vụ thả tôm… đều được đúc kết và in thành cẩm nang phổ biến rộng rãi đến người nuôi tôm trong tỉnh để vận dụng vào sản xuất.

Tổ chức sản xuất theo đúng qui hoạch

Đã qua rồi thời kỳ tự phát nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm, trong điều kiện 3 “không”: “không giống – không vốn – không kỹ thuật” và không chịu tuân thủ theo một quy hoạch nào của cơ quan quản lý. Đó chính là nguyên nhân giải thích vì sao chỉ mới đến năm 2004, diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu đã lên đến ngưỡng 100 ngàn ha, trong khi đó, nếu theo định hướng quy hoạch của ngành thủy sản đến năm 2010, Bạc Liêu mới đủ điều kiện cần và đủ để nuôi tôm có hiệu quả cao trên diện tích 100 ngàn ha.

Cũng vì hoàn cảnh cuộc sống và điều kiện riêng của nông dân tình trạng qui hoạch bị phá vỡ. Không cam chịu đói nghèo, không thể ngồi chờ đủ điều kiện mới nuôi tôm là 2 lý do của nông dân đưa ra khi ồ ạt, chuyển dịch lúa – tôm, buộc cơ quan quản lý chạy theo “vừa chạy, vừa điều chỉnh qui hoạch”, kéo theo nhiều hệ lụy bất cập lớn đối với nghề nuôi tôm. Tuy nhiên cũng từ cái khó ló cái ”hay”, việc hình thành các ban điều tiết nước cho 2 vùng mặn ngọt ở Bắc quốc lộ 1 cơ bản bảo đảm hài hoà về nước sản xuất của 2 vùng sinh thái lúa – tôm. Qua thực tiễn sản xuất của những vụ tôm “có ăn – có thua”, dần dần người nuôi tôm bình tĩnh lại và nhận ra một chân lý: Làm chậm theo qui hoạch, ăn chắc.

Chính nhận thức mới từ thực tiễn này, năm 2008, toàn tỉnh Bạc Liêu mới gây dựng và đưa vào sản xuất hơn 20 ngàn ha theo mô hình một vụ lúa – một vụ tôm tại các huyện Hồng Dân, Phước Long. Đây là mô hình bền vững ăn chắc, thu nhập cao. Sản xuất theo qui hoạch, nông dân có rất nhiều cái lợi. Trước hết là không phải quá lo về con giống và chất lượng của nó, bởi vì vấn đề giống đã được tính đến đầu tiên trong qui hoạch phát triển của ngành thủy sản. Con giống hiện nay chưa phải đã hết khó khăn đối với người nuôi tôm ở Bạc Liêu, nhưng hiện nay nó không trở thành vấn đề quá nóng . Mua ở đâu, bao nhiêu, kiểm tra bệnh thế nào, khi nào thả nuôi… đều được người nuôi tôm tự điều chỉnh lo liệu, không còn cảnh vào vụ thả nuôi phải chạy nháo nhào tìm mua con giống như những năm đầu sau chuyển dịch.

Đến Bạc Liêu, về các vùng nuôi tôm, mọi người dễ nhận ra một điều : sự bình tĩnh – chững chạc của người nuôi tôm. Bạc Liêu đang vào mùa tôm mới, người nuôi tôm đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới trước những biến động phức tạp của giá ”đầu vào – đầu ra” của con tôm. Nhưng bà con vẫn bình tĩnh và tin tưởng vào sự điều hành quản lý giá của Chính phủ, của tỉnh trong khâu tiêu thụ con tôm. Người nuôi tôm đang khẩn trương nạo vét làm vệ sinh ao nuôi thật chu đáo, đúng qui trình kỹ thuật theo hướng dẫn của chuyên môn, chuẩn bị nội lực: tiền, phương tiện kỹ thuật để sẵn sàng thả tôm đúng lịch thời vụ.