ĐBQH không ’cứu’ được danh hiệu Di sản thế giới

ThienNhien.Net – Vườn Quốc gia Cát Tiên nhiều khả năng sẽ không được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. 

Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS) vừa cho biết, nhận định trên căn cứ vào tài liệu đánh giá các ứng cử viên cho Di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO ban hành trước khi công bố chính thức tại kỳ họp từ ngày 16 – 27/6 tới, tại Camphuchia.

Theo đánh giá của UNESCO, khu vực đề xuất công nhận Di sản thiên nhiên thế giới ở Vườn Quốc gia Cát Tiên có phần trùng với khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và khu ngập nước Ramsar trước đây.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến thủy điện, du lịch, khai thác đá và đặc biệt là vấn nạn buôn bán động vật hoang dã… cũng là nguyên nhân làm Vườn Quốc gia Cát Tiên bị “mất điểm”.

Vườn quốc gia Cát Tiên có diện tích gần 72.000 ha, nằm trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước là một trong sáu khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận tại Việt Nam vào năm 2011.

VQG Cát Tiên là một trong sáu khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận tại Việt Nam vào năm 2011 (Ảnh: ttxtdldongnai.vn)
VQG Cát Tiên là một trong sáu khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận tại Việt Nam vào năm 2011 (Ảnh: ttxtdldongnai.vn)

Đầu năm 2013, khi UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Cát Tiên là Di sản thiên nhiên thế giới cũng là lúc dư luận phản đối kịch liệt việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A ở khu vực này.

Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, những tranh cãi liên quan đến việc xây thủy điện ở Vườn Quốc gia Cát Tiên cho thấy công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ rừng chưa tốt. Đây sẽ là một trong những nguyên nhân khiến Vườn Quốc gia Cát Tiên bị “mất điểm” khi UNESCO xét duyệt Di sản thiên nhiên thế giới.

Vườn Quốc gia Cát Tiên có hệ thực vật phong phú gần 1.700 loài và hơn 700 loài thú, chim quý hiếm. Ngoài ra Vườn quốc gia Cát Tiên còn có khoảng trên dưới 20 đàn bò tót với tổng số khoảng 120 cá thể. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là quần thể bò tót hoàn hảo nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, vào 4/2010, sự kiện tê giác Java 1 sừng duy nhất còn sống tại Cát Tiên bị bắn chết để lấy sừng đã gây xôn xao dự luận trong nước và quốc tế. Quỹ Bảo tồn thiên nhiên quốc tế WWF và Quỹ bảo vệ tê giác quốc tế IRF thông báo: Tê giác 1 sừng Java của Việt Nam đã tuyệt chủng.

Con tê giác một sừng cuối cùng tại VQG Cát Tiên bị giết hại khiến khu này bị mất điểm khi xem xét danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới
Con tê giác một sừng cuối cùng tại VQG Cát Tiên bị giết hại khiến khu này bị mất điểm khi xem xét danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới (Ảnh tư liệu của VQG Cát Tiên)

Sau đó lại diễn ra sự việc cá thể bò tót bị 17 người dân ở thôn Phước Sơn (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) giết hại và xẻ thịt, bày bán công khai giữa chợ.

Dù rằng, người dân Đồng Nai và các đại biểu Quốc hội vẫn đang cố sức bảo vệ Vườn Quốc gia Cát Tiên khỏi dự án thủy điện, song dù sao câu chuyện này cũng phần nào bị ảnh hưởng tới danh hiệu mà UNESCO đang xem xét.

Trước đó, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế – xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đã kiến nghị Thủ tướng quan tâm xem xét và cho dừng triển khai, loại khỏi quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, liên quan đến chuyển mục đích sử dụng vườn quốc gia cát tiên. Đây là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đã được Chính phủ công nhận.

Bởi đây là khu dự trữ sinh quyền đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận và UNESCO đang đề nghị địa phương lập hồ sơ công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Và cũng vì diện tích đất chuyển mục đích xây dựng rừng để làm thủy điện quá lớn, trên 370 ha, trong đó có gần 140 ha vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Đại biểu Trương Văn Vở cho biết từ tháng 7/2011 cho tới nay, nhiều đoàn Đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Nam đã kiến nghị dừng dự án này nhiều lần nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Trả lời vấn đề này Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đến nay, cả hai dự án Thủy điện trên chưa được phê duyệt. Báo cáo tác động môi trường của dự án đã được chủ đầu tư gửi đến, Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét và thẩm định. Khi nào có ý kiến của Bộ này, lúc đó chủ đầu tư mới tiến hành các bước tiếp theo của dự án.

Ông Hoàng cho hay, cũng vì chưa được phê duyệt, nên Chính phủ chưa trình lên Quốc hội.

“Nếu qua đánh giá tác động môi trường, thấy dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường chúng tôi đề nghị không triển khai dự án này” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.