Madagascar – Hòn đảo đặc biệt nhất thế giới

ThienNhiet.Net – Madagascar là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, đó là điểm du lịch đặc biệt không nơi nào sánh bằng nhờ đời sống hoang dã độc đáo, phong cảnh tuyệt vời, những con người kỳ lạ, và một nền văn hoá, lịch sử hấp dẫn. Madagascar chắc chắn là một nơi không giống bất kỳ nơi nào mà bạn từng viếng thăm và nếu đến đó, bạn sẽ không bao giờ quên.

Madagascar được tách ra khỏi đại lục châu Phi khoảng 160 triệu năm trước. 80% quần thể thực vật và động vật bản địa của hòn đảo này là độc nhất vô nhị. Madagascar còn là ngôi nhà của những động vật tiến hoá một cách kỳ lạ như Fossa, loài vượn cáo, loài Tenrec…

Madagascar có những cây bao báp rủ trông như thể mọc ngược từ trên xuống; có cây dừa cạn hoa hồng, một loài hoa kinh tế được dùng để điều trị bệnh bạch cầu ở trẻ em và căn bệnh Hogkin; và toàn bộ hệ sinh thái hoang mạc chỉ toàn những loài cây gai góc.

Đặc biệt hơn cả là những cư dân của Madagascar, người Malagasy. Họ có nguồn gốc khác nhau, được phản ánh trong sự pha trộn văn hoá truyền thống. Người Malagasy sử dụng thổ ngữ Borneo (dọc vùng Ấn Độ Dương ở Indonesia), và tuân theo một số nghi lễ tôn giáo đặc trưng của Đông Nam Á; sử dụng ngôn ngữ Arap cổ trong một số ngày trong năm và rất quý trọng bò u Châu Phi.

Nền văn hoá Malagasy

Madagascar không những nổi tiếng bởi cuộc sống hoang dã, nó còn là một vùng đất được biết đến bởi truyền thống văn hoá phong phú.

Đó là nơi vẫn giữ được truyền thống của cuộc sống nguyên thuỷ xa xưa, nơi rất nhiều điều cấm kỵ và phong tục truyền thống được đặt lên trên luật pháp; và tôn giáo của người phương Tây pha trộn tự nhiên với niềm tin vào những phép thuật phù thuỷ có sức mạnh vô song.

Hiếm có trải nghiệm nào bằng việc khám phá một ngôi làng Malagasy xa xôi vào lúc chạng vạng, lắng nghe âm thanh của những nhạc cụ cầm tay với một dàn hợp xướng trữ tình. Mặc dù cuộc sống hàng ngày vất vả và có khi kém may mắn, người nông dân Malagasy vẫn luôn là những người lạc quan vui vẻ. Người dân nơi đây rất thân thiện và đầy lòng vị tha. Họ dễ dàng tha thứ cho bạn khi bạn hành xử chưa lịch sự và làm hỏng ngôn ngữ của họ. Và có nơi nào khác trên thế giới mà khi ô tô của bạn lướt qua, bạn sẽ gặp những cái vẫy tay, những nụ cười thân thiện và những tiếng reo to Bonour vazaha! (“Xin chào người ngoại quốc”) ở hầu hết các làng quê?

Cuộc sống hoang dã ở Madagascar

Hầu như tất cả mọi người đến Madagascar vì cuộc sống hoang dã nơi đây. Madagascar là một trong những nơi nổi tiếng nhất thế giới về sự đa dạng sinh học, sự giàu có và dễ tiếp cận của thế giới hoang dã. Đây là một điểm đến lý tưởng để du khách thoả mãn lòng ham thích khám phá và được chứng kiến nhiều điều thú vị, bổ ích. Đến thăm bất kỳ một công viên nào của Madagascar, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng những loài động vật nổi tiếng hơn của hòn đảo này bao gồm rất nhiều chủng loại vượn cáo, những con tắc kè hoa với những màu sắc lạ mắt cùng những chú tắc kè màu sáng.

Các loài sinh vật ở Madagascar tiến hoá trong môi trường không có các loài thú ăn thịt tự nhiên nên rất nhiều loài động vật ở đây không sợ con người. Du khách có thể dễ dàng tiến đến gần một bầy vượn cáo khi đi bộ trong công viên, mặc dù điều này có vẻ bất thường ở những vùng có hoạt động săn bắn (Vượn cáo được phép săn bắn lấy thịt ở nhiều vùng của Madagascar).

Chúng ta hãy xem sự đa dạng đáng ngạc nhiên của hệ động vật ở Madagascar.

Chim: Loài chim rất ưu ái Madagascar. Trong khoảng 260 loài chim của hòn đảo này, 115 loài trong số đó là đặc chủng thuộc 36 giống, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ở châu Phi. Điều đáng buồn là kho báu đích thực của Madagascar, loài chim voi, đã biến mất cách đây 200 năm. Loài chim này cao khoảng 10 feet (3m), nặng 1100 pao (500kg).

Vượn cáo: Về lý thuyết, vượn cáo là loài động vật có vú nhưng vì chúng được xem như loài độc vật biểu trưng của Madagascar, xin được phân thành một loại riêng. Vượn cáo là một loài linh trưởng trông giống như một loài lai giữa mèo, sóc và chó. Chúng là loài duy nhất ở đây có thể tạo ra âm thanh như những con cá voi (loài Indri) hay nhảy như một nghệ sĩ ba lê (loài sifaka). Vượn cáo là thành viên của bộ động vật có vú phát triển cao nhất (bộ bán hầu), là tiền thân của loài khỉ hiện đại và khỉ hình người. Lý do duy nhất giải thích sự sống sót của loài vượn cáo đến ngày nay đó là sự tách biệt của Madagascar.

Hầu hết các loài linh trưởng khác giống loài vượn cáo ở những nơi khác trên thế giới đều bị tuyệt chủng hàng triệu năm trước khi loài khỉ thông minh xuất hiện. Con người cũng góp phần tiêu diệt hàng loạt loài vượn cáo trong thiên niên kỷ trước. Ngày nay còn tồn tại khoảng 60 loài vượn cáo, kể cả những khám phá mới (mới đây có thêm 2 loài vượn cáo được phát hiện). Vượn cáo có trọng lượng dao động từ 25g ở loài vượn lùn châu Phi đến 10kg ở loài Indri.

Loài vượn cáo thường được phân loại theo thời gian hoạt động của chúng: ban ngày và về đêm. Loài vượn đêm thường nhỏ hơn và sống ẩn dật hơn những con hoạt động ban ngày. Loài vượn nâu phát âm thanh giống kiểu lẩm bẩm hay chửi thề, còn loài sifaka phát ra những âm thanh chiếp chiếp kỳ quái, tiếng gọi của những con Indri nghe như sự kết hợp của tiếng còi cảnh sát và âm thanh của những chú cá voi lưng gù.

Động vật có vú: Ngoài loài vượn cáo, còn có rất nhiều động vật thú vị khác sống ở Madagascar. Ở đây có 8 loài “Viverrids” – một nhóm động vật có vú bao gồm cả cầy mangut. Thú vị nhất có lẽ là loài Fossa, loài ăn thịt lớn nhất ở Madagascar. Tenrec là một loài đáng chú ý khác trên hòn đảo này. Chúng là những loài ăn côn trùng hiếm có sống phân tán trên khắp hòn đảo như nhím, chuột, chuột chù, thú có túi ôpôt và cả rái cá. Trong khi một số ít chủng loại Tenrec được tìm thấy ở Trung Phi, thì ở Madagascar đã tìm thấy 30 loài. Cuối cùng, Madagascar cũng là nơi sinh sống của rất nhiều loài dơi và các loài gặm nhấm, bao gồm loài chuột nhảy cao nổi tiếng.

Ếch: Ếch là loài lưỡng cư duy nhất được tìm thấy ở Madagascar – chúng không phải cóc, kỳ giông hay sa giông. Ở Madagascar có hơn 300 loài ếch, 99% là loài đặc hữu bao gồm loài ếch Mantella sặc sỡ và có độc. Chỉ một loài không có độc là ếch Cà chua.

Bò sát: Madagascar là quê hương của hơn 300 loài bò sát, hơn 90% trong số đó là loài lưỡng cư nhưng không một loài nào nguy hiểm đối với con người. Rắn Madagascar có răng nanh sau và không hề gây hại. Một số loài nổi tiếng hơn như tắc kè hoa gồm tắc kè hoa đích thực, là bậc thầy thay đổi màu sắc, và tắc kè Brookesia có kích thước nhỏ xíu, những con trưởng thành thì chỉ to bằng đầu ngón tay.

Cá: Madagascar có những dải san hô ngầm tuyệt đẹp và những điểm ngắm cá voi đẹp nhất hành tinh. Nhưng cá nước ngọt ở đây không có được môi trường thuận lợi. Môi trường sống bị mất đi – đặc biệt khi có sự chuyển đổi từ hệ thực vật địa phương sang trồng các loại cây lúa gạo – kết hợp với sự xói mòn khủng khiếp từ việc tàn phá rừng và sự nhập cư của một số loài ngoại lai là nguyên nhân ảnh hưởng đến các loài cá địa phương.

Động vật không xương sống: Ngay cả sự hanh khô và ẩm ướt của Madagascar cũng hấp dẫn đối với những người tìm kiếm sự hoang dã tự nhiên. Hòn đảo có một số loài côn trùng đáng chú ý gồm loài bướm đêm lộng lẫy và loài gián huýt gió khét tiếng. Không thân thiện và khá nguy hiểm đối với những nhà thám hiểm rừng rậm vào những ngày mưa là những con đỉa. Nhưng bạn hãy yên tâm vì chúng không gây ra bất cứ căn bệnh hay một sự nguy hại nào thực sự nghiêm trọng.

Quần thể thực vật của Madagascar

Cuộc sống hoang dã của Madagascar chỉ có thể bị cạnh tranh bởi sự giàu có phong phú của thực vật.

Hòn đảo là nơi tồn tại của 12,000 loài thực vật – 70-80% trong số đó là loài đặc hữu – tạo nên một trong những nơi đa dạng nhất về các loài hoa trên hành tinh này (Có thể so sánh với vùng rừng nhiệt đới Châu Phi: có khoảng 30,000-35,000 loài thực vật phủ trên một diện tích gấp 35 lần Madagascar).

Madagascar có khoảng gần 1000 loài lan, trong đó 85% là đặc hữu và sở hữu 6 loài cây bao báp trên thế giới. Toàn bộ hệ thực vật Didiereaceae chỉ có duy nhất ở Madagascar. Những loài cây kỳ lạ sống trên những mảnh đất khô cằn và những vùng tây nam khá giống với loài xương rồng gai. Sự phong phú của thực vật ở Madagascar có lẽ được minh chứng thuyết phục nhất bởi các loài cọ. 165 trong số 170 loài cọ Madagascar không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Trong khi đó, cả lục địa Châu Phi chỉ có chưa tới 60 loài cọ.

Vùng đất của sự phiêu lưu

Madagascar tạo ra vô số cơ hội cho những cuộc phiêu lưu. Từ những cuộc thả bè ở những thác nước trắng xoá xa xôi, lướt sóng trên những dòng sông mờ ảo hay tản bộ trên những bờ cát trắng tới những hành trình leo núi đầy vất vả.

Madagascar có thừa sự lựa chọn cho những du khách yêu thích các hoạt động ngoài trời và những cảm giác ly kỳ. Leo núi bằng xe đạp, khám phá hang động cá sấu, bay lượn với dù, lặn với cá mập… Đó mới chỉ là một phần của hành trình khám phá Madagascar.

Miền đất đặc biệt

Mặc dù rất hấp dẫn với những điều kỳ diệu và tuyệt vời của nó, Madagascar không phải là một điểm đến cho tất cả mọi du khách. Madagascar vẫn là một quốc gia nghèo, chỉ một số ít dân nói tiếng Anh, cơ sở hạ tầng còn thô sơ. Điện thoại và internet là điều xa lạ ở đất nước này, trong khi nạn cướp vẫn là mối đe doạ ở những nơi xa xôi. Du lịch đến đây cũng không rẻ .

Nếu bạn đang tìm một địa điểm đáng đến trên thế giới, hãy nhớ rằng tương lai của Madagascar thuộc về du lịch, đặc biệt những ai yêu thích thiên nhiên, sẵn sàng trả giá cho việc bảo vệ thế giới hoang dã bằng việc thuê những hướng dẫn viên bản ngữ, trả phí khi vào các công viên và mua các loại hàng thủ công mỹ nghệ. Không có nhiều nguồn lực phát triển kinh tế ngoài du lịch cho một đất nước Madagascar nông nghiệp nghèo để bảo tồn thế giới hoang dã còn sót lại.

Là một trong những nước nghèo nhất thế giới, người dân Madagasca sống chủ yếu nhờ vào những nguồn thức ăn tự nhiên. Hầu hết người Malagasy không có cơ hội trở thành bác sĩ, ngôi sao thể thao, công nhân nhà máy hay thư ký; họ phải sống ngoài trời và sử dụng bất cứ thứ gì mà họ tìm thấy từ thiên nhiên để che chắn. Sự nghèo đói của họ đang làm cho quốc gia và thế giới mất dần đi một hòn đảo đặc biệt đa dạng. Trách nhiệm, sự tôn trọng và những hành động đúng đắn của du khách đóng vai trò quyết định trong việc giữ gìn và bảo tồn thế giới hoang dã ở Madagascar.