Máy bay năng lượng hạt nhân vì môi trường?

ThienNhien.Net – Người đứng đầu Dự án Omega – Dự án Giảm tác động môi trường của ngành hàng không do chính phủ Anh tài trợ đã kêu gọi một chương trình nghiên cứu quy mô nhằm giúp ngành hàng không chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng hạt nhân vì những lợi ích môi trường.

Ian Poll – Giáo sư ngành kĩ thuật không gian vũ trụ thuộc Đại học Cranfield (Anh), trưởng bộ phận công nghệ thuộc Dự án Omega bày tỏ niềm tin rằng những chiếc máy bay máy bay sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ chuyên chở hàng triệu hành khách vòng quanh thế giới vào cuối thế kỉ này.

Theo ông, bù lại việc phải ngồi gần bình phản ứng hạt nhân, hành khách sẽ được hưởng những chuyến bay không qua trung chuyển từ London đến Australia hay New Zealand. Bởi vì với năng lượng hạt nhân, máy bay sẽ không cần hạ cách để tiếp nhiên liệu nữa. Những chuyến bay cũng sẽ không thải ra khí cacbon, và do đó không góp phần vào việc làm trái đất nóng lên.

Trong một buổi thuyết trình tại Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh vào tháng 10/2008, Giáo sư Poll cho biết các cuộc thử nghiệm được tiến hành trong thời kì chiến tranh lạnh đã chứng tỏ rằng không có bất cứ cản trở nào không vượt qua được trong việc phát minh một chiếc máy bay sử dụng năng lượng hạt nhân.

Vào những năm 1950, cả Mỹ và Liên bang Xô Viết đều bắt đầu phát minh các máy bay ném bom năng lượng hạt nhân. Mục đích của họ là tạo ra những chiếc máy bay tác chiến với những mục tiêu xa và thời gian hoạt động dài. Các chương trình thử nghiệm đã bị cấm vào đầu những năm 60 khi các siêu cường quốc thấy rằng các tên lửa xung kích liên lục địa đã làm cho các máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trở nên không cần thiết.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Times, Giáo sư Poll cho biết: “Chúng ta cần tìm kiếm một giải pháp cho việc thải khí của ngành hàng không để các có được các chuyến bay dài không cần trung chuyển mà lại không gây ảnh tới môi trường. Chúng ta cần thiết kế một chiếc máy bay không dùng đến dầu lửa, và tôi nghĩ các máy bay chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ là câu trả lời cho tương lai sau năm 2050. Cách đây 50 năm ý tưởng này đã được chứng minh, nhưng tôi chấp nhận là sẽ phải mất khoảng 30 năm để thuyết phục công chúng về việc cần có loại máy bay này.”

Giáo sư Poll cho biết thách thức lớn nhất là chứng minh được rằng hành khách và phi hành đoàn sẽ được bảo vệ an toàn khỏi bình phản ứng hạt nhân. Điều đó đã thực hiện được ở các tàu ngầm hạt nhân, và có thể được thực hiện ở máy bay bằng cách đặt các bình phản ứng cùng các động cơ trên cánh máy bay. Rủi ro các lò phản ứng bị nứt trong một vụ đâm máy bay có thể được giảm đi bằng cách vứt bỏ chúng ra khỏi máy bay và cho chúng tiếp đất bằng dù.

Ông cho rằng, trong trường hợp tệ hại nhất, nếu lớp bọc sắt bọc quanh bình phản ứng bị chọc thủng thì sẽ có rủi ro bị nhiễm phóng xạ một vài dặm vuông.

Giáo sư Poll phát biểu: “Nếu chúng ta muốn tận hưởng những lợi ích của việc bay trên không mà không phải quan ngại gì về những tác động môi trường, chúng ta cần khai phá năng lượng hạt nhân. Nếu ngành hàng không vẫn còn trung thành với nhiên liệu hoá thạch thì nó sẽ rơi vào tình trạng rắc rối nghiêm trọng. Đáng tiếc là, năng lượng hạt nhân đã bị cho là có hại dù nó vẫn có tiềm năng hữu dụng cho nhân loại.”

Theo giáo sư, năng lượng hạt nhân có thể thay thế bằng việc phát triển loại máy bay chạy bằng nhiên liệu hydro lấy từ nước biển qua các nhà máy năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, ông cho rằng trong khi hydro có thể thích hợp cho việc di chuyển dưới mặt đất, thì độ cô đặc năng luợng của nó vẫn thấp hơn dầu lửa nhiều và sẽ rất khó khăn để thiết kế một chiếc máy bay tầm xa chuyên chở hành khách có khả năng trữ được đủ nhiên liệu.

Rod Coppinger, biên tập viên kỹ thuật của tạp chí Flight International thì cho rằng có nhiều khả năng các bình phản ứng hạt nhân sẽ được lắp đặt vào các phương tiện không có người, sử dụng cho máy bay trinh sát hoặc máy bay chiến đấu, vì như vậy nhu cầu bảo vệ sẽ ít phức tạp hơn một chiếc máy bay chở khách.

Cũng trong buổi thuyết trình nói trên, giáo sư Poll đồng thời cũng trình bày nghiên cứu về các giải pháp nâng cao hiệu xuất hoạt động của loại máy bay đường ngắn như máy bay Boeing 737 và Airbus 320. Ông cho biết, những cải tiến này sẽ khiến máy bay bay chậm hơn, khoảng 10 phút đối với một chuyến bay trong vòng châu Âu. Tuy nhiên, bù lại, với động cơ rotor mở, những máy bay này có khả năng tiết kiệm 20% năng lượng, dù gây nhiều tiếng ồn hơn động cơ phản lực hiện tại.