ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 12/2008, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra một phương pháp tạo gen hiệu quả nhằm tạo ra sự sống nhân tạo trong tương lai. Phương pháp này đã được áp dụng để phát triển năng lượng sinh học và hóa sinh trong phòng thí nghiệm của nhà khoa học Hoa Kỳ, Craig Venter, đồng thời cũng được cho là phương pháp đầy hứa hẹn trong việc chữa bệnh và ngăn chặn sự nóng lên của trái đất.
Tạo ra sự sống là một trong những thành tựu lớn của khoa học, nhưng đồng thời làm dấy lên những mối lo sợ sâu sắc như đã được dự báo trong tiểu thuyết “Đương đầu với thế giới mới” của Aldous Huxley năm 1932. Trong tiểu thuyết này, sự sinh sản tự nhiên của con người bị lép vế so với công nghệ sinh sản trong phòng thí nghiệm. Chính vì thế, tương lai của phương pháp này hiện vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi. Người ta tranh luận nhiều về triển vọng phân bào thành công cũng như vấn đề đạo đức đặt ra với công nghệ này.
Năm ngoái Viện nghiên cứu mang tên người sáng lập – J. Craig Venter – đã tổng hợp thành công AND của một vi khuẩn đơn bào.
Các nhà nghiên cứu bước đầu đã sử dụng vi khuẩn Escherichia coli để tổng hợp gen, nhưng họ nhận thấy rằng đó là một quá trình mất nhiều công đoạn song lại không mấy hiệu quả và vi khuẩn E.coli rất khó có thể tạo những đoạn AND lớn.
Cuối cùng họ đã tìm ra một loại men có tên Saccharomyces cerevisiae. Men này có tác dụng hoàn thiện quá trình tổng hợp gen nhân tạo bằng phương pháp được gọi là tái tổ hợp đồng đẳng – một quá trình mà các tế bào tự nhiên được sử dụng để sửa lỗi sai trong các nhiễm sắc thể của chúng.
Đầu tháng 12 vừa qua Viện J. Craig Venter đã công bố rằng họ bắt đầu phát hiện ra khả năng lắp ghép của AND trong men để tạo thành một “nhà máy gen”. Bằng phương pháp tái tổ hợp đồng đẳng, các nhà nghiên cứu đã cấy thêm các đoạn AND tương đối ngắn vào các tế bào men. Kết quả là họ đã tổng hợp được gen hoàn chỉnh.
“Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về khả năng của men trong việc kích thích quá trình tổng hợp và lắp ráp các mảnh AND thành các phân tử gen nhiều kích cỡ. Khả năng này cần được nghiên cứu và phát triển thêm nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ nhân bản gen” – trưởng nhóm nghiên cứu Daniel Gibson cho biết.
Nhà nghiên cứu Clyde Hutchison cho biết thêm: “Tôi lấy làm ngạc nhiên trước những thành quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được trong việc lắp ráp các phân tử AND lớn. Chúng tôi sẽ nỗ lực sử dụng phương pháp này để tạo ra các nhiễm thể nhân tạo.
Vender và nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục làm việc nhằm tạo ra các tế bào vi khuẩn sống sử dụng công nghệ nhân bản gen vi khuẩn Mycoplasma.
Vi khuẩn gây bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có cấu trúc AND ít phức tạp nhất trong các cá thể sống, chỉ bao gồm 580 gen. Ngược lại cấu trúc gen của con người lại có tới 30000 mẫu gen. Sử dụng các kết quả thu được từ vi khuẩn này, nhóm nghiên cứu tại Maryland đã tạo ra một nhiễm sắc thể được biết đến với tên Mycoplasma.
Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực làm việc nhằm phát triển một phương pháp để cấy những nhiễm sắc thể này vào các tế bào sống và kích thích cho chúng hoạt động và hình thành nên các tế bào mới.