Hệ sinh thái nhiệt đới sẽ không còn đa dạng

ThienNhien.Net – Hệ sinh thái nhiệt đới được xem là “lá phổi của hành tinh” bởi có trên 60% loài thực vật trên trái đất được tìm thấy tại các khu rừng nhiệt đới, mặc dù nó chỉ chiếm 12% diện tích bề mặt trên trái đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Calgary đã chỉ ra rằng trong tương lai khu vực nhiệt đới không còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học thực vật nữa.

Các nhà nghiên cứu tại trường đại học Calgary vừa phát hiện ra đặc tính đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới có mâu thuẫn với những quan điểm trước đây về sự tuyệt chủng của các loài động thực vật tại khu vực này.

Một bài báo được đăng trên tạp chí PloS ONE của hai tác giả Jana Vamosi và Steven Vamosi cho biết, thực vật tại các quốc gia nằm gần xích đạo có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn chúng ta tưởng.

Theo Steven Vamosi, vùng nhiệt đới có nhiều các loài cây cổ thụ khiến nhiều người cho rằng các loài cây nhiệt đới ít có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhưng nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng sự thật lại hoàn toàn ngược lại: “Ở các quốc gia nằm gần xích đạo và đặc biệt là trên các đảo, nguy cơ các loài cây bị tuyệt chủng là khá cao, ngay cả khi đã tính đến hoạt động của con người cũng như việc con người khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.”

Những nghiên cứu trước đây về đa dạng sinh học tại các vùng nhiệt đới thường tập trung vào các loài bọ cánh cứng, chim, các loài động vật có vú và các loài động vật thân mềm. Nghiên cứu của Vamosi đã đề cập tới những dữ liệu trên toàn cầu về số lượng các loài cây đang có nguy cơ tuyệt chủng tại các quốc gia trên thế giới, từ vùng đảo Falkand ở miền Nam cho tới đảo Greenland ở phía Bắc và có tính đến các yếu tố như GDP, mật độ dân số và suy thoái đất.

Vamosi nhấn mạnh vào số liệu về các loài thực vật có mạch như cây dương xỉ, cây tùng và các loài cây có hoa khác, trong đó bao gồm cả các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng như cây độc cần Canada, phong lan tua và Lily sa mạc cùng rất nhiều các loài khác.

Vamosi cho biết ông lấy làm ngạc nhiên khi hoạt động của con người không phải là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ tuyệt chủng với các loài động thực vật tại khu vực xích đạo: “Những phát hiện của chúng tôi khác biệt so với những nghiên cứu trước đây ở chỗ hoạt động của con người không phải là yếu tố quyết định tới số lượng các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Thay vào đó, yếu tố quan trọng nhất, thật đơn giản lại là khoảng cách địa lý với xích đạo. Do vậy, nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các loài động thực vật khác nhau là không giống nhau. Thực vật gần khu vực xích đạo thường xuất hiện với mật độ thấp hoặc rất ít loài, khiến chúng trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân bên ngoài.”

Vamosi cũng bày tỏ mong muốn được biết tới những phát hiện của các nhà nghiên cứu khác về vấn đề này, bởi hầu hết các nghiên cứu ở khu vực đến nay đều tập trung vào các loài động vật có xương sống.

Liệu nghiên cứu này có loại yếu tố con người ra khỏi vấn đề này? Câu trả lời của Vamosi là Không: “Nghiên cứu này không cho rằng các hoạt động của con người không phải là nhân tố gây ra những mối đe dọa thường trực tới các loài thực vật; nhưng thay vì đó, nó ngụ ý rằng các loài thực vật tại các nước nhiệt đới nói chung sẽ nhạy cảm trước các tác nhân từ phía con người hơn ở các khu vực khí hậu ôn hòa”.

Vamosi cho biết, dự đoán hiện nay có tới 20-45% các loài thực vật tại vùng nhiệt đới đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Trong khi đó ở Canada, con số này chỉ là từ 2-3 %.

Rừng nhiệt đới là nguồn cung cấp dược liệu và thức ăn quan trọng cho con người. Đó đồng thời cũng là môi trường sống của phần lớn các loài động thực vật trên trái đất như: bướm, tinh tinh, chim, dơi. Sự sụt giảm số lượng các loài thực vật nhiệt đới sẽ có tác động xấu đến các loài động vật này. Do các hệ sinh thái trên trái đất có mối quan hệ chặt chẽ qua lại với nhau, sự biến mất của các loài ở khu vực gần xích đạo cũng có ảnh hưởng lớn đến các vùng đất cách đó hàng ngàn kilomet.