ThienNhien.Net – Với giá trị tài nguyên tối thiểu 24 nghìn tỷ USD, giá trị hàng hóa và dịch vụ hàng năm lên tới 2,5 nghìn tỷ USD, kinh tế đại dương được xếp thứ 7 trong danh sách 10 lĩnh vực kinh tế hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, nguồn tài nguyên đại dương quý giá lại đang có xu hướng suy giảm một cách nhanh chóng.
Đó là hiện trạng được nêu trong Báo cáo Reviving the Ocean Economy: The case for action – 2015 (Tạm dịch: Phục hồi Kinh tế Biển: Thời điểm hành động – 2015) mới được WWF công bố. Báo cáo phân tích vai trò của biển như một lĩnh vực kinh tế hùng mạnh và vạch ra các mối đe dọa đối với nền kinh tế này.
Theo Báo cáo, hơn 2/3 giá trị biển hàng năm phụ thuộc vào các điều kiện thuận lợi để duy trì sản lượng kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, ngành kinh tế biển, vốn đảm bảo đời sống và an ninh sinh kế cho hàng tỉ người dân trên thế giới, đang bị đe dọa bởi sự khủng hoảng của ngành thủy sản, sự suy thoái rừng ngập mặn cùng sự biến mất của các rạn san hô và thảm cỏ biển.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy đại dương đang thay đổi nhanh hơn bất cứ lúc nào trong vòng hàng triệu năm qua. Cùng lúc đó, tốc độ gia tăng dân số và sự phụ thuộc vào biển khiến cho việc phục hồi kinh tế và tài nguyên biển càng trở thành một vấn đề cấp thiết toàn cầu.
Biến đổi khí hậu luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thoái biển. Nghiên cứu chỉ ra rằng với tốc độ nóng lên toàn cầu hiện nay, các rạn san hô cung cấp lương thực, việc làm và hàng rào chắn bão cho hàng triệu người sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050. Và phải sau hàng trăm thế hệ nữa chúng mới có thể phục hồi do tình trạng axit hóa đại dương.
Khai thác quá mức là một “thủ phạm” khác khiến hơn 90% lượng thủy sản toàn cầu bị tận diệt. Ví dụ điển hình là số lượng cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương đến nay đã giảm 96% so với trước khi bị đánh bắt.
Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để đảo ngược tình thế nhằm phục hồi một đại dương khỏe mạnh và đảm bảo lợi ích cho con người, kinh tế và thiên nhiên.
Báo cáo đã đưa ra chương trình hành động gồm 8 điểm nhằm khôi phục tài nguyên biển, bao gồm lồng ghép bảo vệ đại dương trong Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Theo đó, cần thực hiện các hành động toàn cầu chống biến đổi khí hậu và thực hiện những cam kết mạnh mẽ trong bảo vệ các vùng duyên hải và vùng biển.
Các tác giả hi vọng báo cáo này chính là lời cảnh báo dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hoạch định chính sách nhằm có được những quyết định cẩn trọng và sáng suốt hơn trong xây dựng tương lai kinh tế biển.