Phát hiện điều bí ẩn của băng trôi

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện cách thức các tảng bảng trôi tách khỏi Nam Cực và Greenland. Phát hiện này có thể giúp dự đoán mực nước biển tăng do ảnh hưởng của hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Cho đến nay, tảng băng trôi vẫn được xem là thủ phạm chính gây ra thảm họa tàu Titanic, thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng hải thế giới. Ngày 14/4/1912, con tàu được mệnh danh là “không thể chìm” này khi đó đang trên đường từ Southamton, Anh đến New York, Mỹ đã đâm vào núi băng trôi và sau đó bị nhấn chìm dưới đáy đại dương cùng với 1.500 hành khách. Gần một thế kỷ sau, bí ẩn về sự hình thành của các tảng băng trôi mới được khám phá.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí “Khoa học” (Science – Mỹ) cho biết trên thực tế, Greenland và Nam Cực là vùng biển với những hòn đảo nằm rải rác, tuy nhiên, băng đã biến chúng thành một vùng đất liền mạch. Vào mùa Xuân, khi nhiệt độ không khí tăng lên, những khối băng bắt đầu vỡ và các dòng nước tự do được hình thành. Khi nhiệt độ tăng cao hơn, dưới sức ép của sóng và gió, bắt đầu xuất hiện hiện tượng đứt gãy ở rìa các khối băng, tạo thành những tảng băng trôi nổi mà chúng ta vẫn quen gọi là “tảng băng trôi”.

Theo các nhà khoa học, tốc độ hình thành các tảng băng trôi ít gắn với các yếu tố như độ dày của băng hay độ rộng của các dòng băng trôi, khoảng cách từ đất liền hay các con sóng. Các khối băng chính là những dòng sông bị đóng băng khổng lồ chảy từ từ ra biển và sau đó tan ra. Tại Nam Cực, tảng băng trôi tách ra từ Ross Ice Shelf trải dài 500 dặm trên bề mặt đại dương, còn lại các tảng băng khác thường chỉ trải dài từ 1-2 dặm.

Các tảng băng trôi được hình thành rất nhanh khi các khối băng khổng lồ (tảng băng mẹ) trôi nhanh trên mặt biển. Quy luật đơn giản này có thể giúp các nhà khoa học dự đoán việc các tảng băng tan và mực nước biển tăng.

Hiện tượng băng tan ở Nam cực và đảo Greenland, vùng đất nằm ở cực Bắc Đại Tây Dương thuộc chủ quyền của Đan Mạch, được cho là nguyên nhân chủ yếu làm mực nước biển dâng cao trong tương lai. Nếu như tất cả các khối băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao thêm hơn 60m.

Các con số thống kê cho thấy 97% bề mặt và 99,75% khối lượng băng hiện nay nằm ở Nam Cực và Greenland. Khoảng 7 triệu km2 bề mặt đại dương được bao bọc bởi băng và 75% lượng nước ngọt trên thế giới được “lưu giữ” trong băng. Trong thời kỳ băng hà, băng bao phủ tới 38% bề mặt Trái Đất. Lượng băng ở Nam Cực bao phủ một bề mặt rộng lớn hơn cả châu Âu, với độ dày trung bình 2.200 mét, trong khi đó, ở một số nơi độ dày lên tới 5.000 mét.

Khối băng ở đảo băng có nơi dày 3.400 m. Bắt đầu từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, mỗi năm độ dày những khối băng ở Nam Cực đã giảm xuống khoảng 8,3 cm.