Tội phạm môi trường ngày càng phức tạp

ThienNhien.Net – Không còn bó hẹp ở chuyện phá rừng thu gỗ lậu hay buôn bán thú hoang dã quý hiếm, ngày nay các hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng diễn ra mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo báo cáo mới đây của Bộ Công an, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Tội phạm môi trường – Vấn đề của hành tinh chúng ta

Tấn công tội phạm môi trường: Khó khăn và phức tạp



Lĩnh vực hoạt động sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các làng nghề truyền thống, tình hình ô nhiễm môi trường vẫn là “hồi chuông dài chưa ngừng”. Qua kiểm tra khoảng 1500 làng nghề thì thấy hầu hết chất thải đều không được xử lý mà đổ thẳng ra mương, ao, rãnh, ruộng lúa

Nhiều nhà máy xí nghiệp cũng xả thải trực tiếp ra môi trường với nồng độ vượt mức cho phép nhiều lần, gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, đặc biệt là tại hạ lưu các sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy…làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, nuôi trồng thủy sản và sức khỏe người dân.
 
Điển hình như vụ Công ty VEDAN Việt Nam, Công ty Miwon, Công ty thuộc da Hào Dương, Cụng ty giấy Việt Trì… xả nước thải không qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các dòng sông và cộng đồng dân cư sống xung quanh các nhà máy.
 
Lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu: Tình trạng nhập khẩu máy móc cũ, công nghệ lạc hậu, sắt thép phế liệu, nhựa tái sinh chứa rác thải nguy hại diễn ra khá phổ biến, với thủ đoạn rất tinh vi, như tạm nhập, tái xuất qua cảng biển, khi bị phát hiện thì khai là “gửi nhầm hàng” và xin được chuyển trả lại. Đặc biệt là việc nhập khẩu ắc quy chì đã qua sử dụng, vi phạm nghiêm trọng Công ước BASEL, Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định 155/1999/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ của một số doanh nghiệp đã diễn ra từ nhiều năm nay.
 
Hoạt động nhập và phá dỡ tàu cũ ở Hải Phòng và một số tỉnh cũng đặt môi trường khu vực vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Các chất thải độc hại, như: dầu mỡ, bụi xỉ chứa kim loại nặng, nước thải khó có thể khắc phục, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng.

Điển hình là vụ Công ty Huyndai Vinashin (Khánh Hoà) thải ra hàng trăm nghìn tấn hạt xỉ đồng (hạt NIX) và các loại chất thải độc hại khác. Kết quả phân tích mẫu đất tại khu vực có xỉ đồng và nước thải cho thấy hàm lượng Asen vượt 23,5 lần giới hạn cho phép, hàm lượng chì gấp 21 lần so với mẫu đối chứng, thành phần các kim loại nặng khác như đồng, Cadimi cũng vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.
 
Lĩnh vực bảo tồn và khai thác khoáng sản, bảo vệ đa dạng sinh học: Hằng năm, có hàng nghìn hécta rừng bị chặt phá, tập trung ở vùng giáp ranh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn; khu vực Tây Nguyên, Quảng Nam, Ninh Thuận, kể cả rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng quốc gia, vi phạm nghiêm trọng quy chế bảo vệ đặc biệt, tầm quan trọng đối với môi trường. Điển hình là các vụ phá rừng thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, vụ chặt hạ 5000 ha rừng phòng hộ huyện Phú Ninh (Quảng Nam), gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tại các khu vực mỏ khai thác khoảng sản (thiếc, vàng…), vật liệu xây dựng (cát, đá), nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu bị ô nhiễm do sử dụng thủy ngân và kim loại nặng. Nhiều dòng sông bị xói lở gây biến đổi dòng chảy, gây nguy cơ biến đổi hệ sinh thái, phong hoá, rửa trôi, biến rừng thành đất trống đồi núi trọc, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét cao.

Tình trạng săn bắn, buôn bán vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm diễn ra công khai ở nhiều nơi, như các vụ phát hiện 06 cơ sở nuôi nhốt trái phép 281 con gấu (Quảng Ninh); nhập 2,8 tấn rắn và trên 500 con rùa tại Quảng Ninh; mua bán sừng tê giác tại Hà Nội, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Talu nhập 23 tấn tê tê đông lạnh. Tại các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình, Tây Ninh nạn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang diễn ra rất phức tạp.
 
Lĩnh vực quản lý và xử lý chất thải y tế nguy hại: Hầu hết các bệnh viện trong cả nước, lượng rác thải hàng ngày rất lớn nhưng chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo quy chế xử lý chất thải y tế. Các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện K Hà Nội; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương & Chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh… cũng trong tình trạng trên, dẫn đến việc tư nhân, xưởng sản xuất, cơ sở thu mua phế liệu thu gom, mua bán nhằm tái chế, sản xuất đồ dùng sinh hoạt gây nguy cơ lây truyền dịch bệnh nguy hại cho sức khoẻ con người.
 
Nhiều bệnh viện xả nước thải chưa xử lý vào cống thoát nước chung của thành phố gây ô nhiễm đất, nước, không khí.

 
Lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt: Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và phế liệu trong tình trạng báo động cao. Rác không tập kết đúng chỗ, đổ bừa bãi thậm chí ở hai bên đường, các bãi rác, như bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi, TPHCM), bãi rác Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), bãi rác Phù Chẩn (Từ Sơn, Bắc Ninh)… trong tình trạng quá tải tràn ra khắp nơi, gây ô nhiễm đất, nước và không khí nghiêm trọng. Rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp hầu hết chưa được xử lý đúng quy trình, chủ yếu được chôn lấp hoặc thiêu đốt thông thường (không có lò thiêu đốt chuyên dụng).
 
Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, hoá chất, dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm: Dịch bệnh và các vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có những diễn biến rất đáng lo ngại, như dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, dịch tiêu chảy cấp.

Liên tục phát hiện các vụ việc thực phẩm chứa chất có hại cho sức khoẻ con người như nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư, bánh phở chứa phormol, thực phẩm chứa hàn the, sữa có chứa melamine… Nhiều cơ sở sản xuất hoặc không chấp hành quy trình xử lý chế biến thực phẩm hoặc cố tình thêm các hoá chất và chất phụ gia bảo quản đe doạ nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Các cơ sở giết mổ không được vệ sinh kiểm dịch đặt gần chuồng trại chăn nuôi; tình trạng giết mổ gia súc không rõ nguồn gốc, gia súc bị bệnh dẫn đến ngộ độc thực phẩm ở nhiều nơi… Điển hình là các lò giết mổ lợn tập trung tại Thanh Trì, Hoàng Mai (Hà Nội); tại quận Lê Chân (Hải Phòng), phát hiện hàng chục con lợn sữa bị bệnh cung cấp cho các lò  quay để bán ra thị trường.