Sử dụng công cụ thuế để hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản

ThienNhien.Net – Sáng ngày 22/11/2008, UBTVQH đã thảo luận và cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Biểu khung thuế xuất khẩu. Biểu khung thuế xuất khẩu được điều chỉnh theo hướng tăng mức trần của khung thuế xuất khẩu hiện nay, đồng thời bổ sung một số nhóm mặt hàng nguyên liệu thô và tài nguyên khoáng sản vào đối tượng chịu thuế.

Nghị quyết này ban hành sẽ góp phần hạn chế tối đa việc xuất khẩu nguyên liệu thô, tài nguyên khoáng sản cũng như để Chính phủ điều hành linh hoạt hoạt động xuất khẩu trong điều kiện nền kinh tế đang có nhiều biến động hiện nay.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh giải trình, việc sửa đổi khung thuế xuất khẩu xuất phát từ lý do thời gian qua giá xuất khẩu tài nguyên khoáng sản và một số mặt hàng là vật tư, nguyên liệu tăng cao, dẫn tới tình trạng một lượng lớn tài nguyên bị khai thác, bán ra nước ngoài.

Trong khi đó, để ổn định kinh tế trong nước, Chính phủ đã phải thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu nên giá một số mặt hàng trong nội địa thấp hơn thế giới. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ngược nguyên liệu, vật tư ra nước ngoài (như phân bón, sắt thép,…) để thu lợi nhuận lớn hơn, gây ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, việc sử dụng công cụ thuế xuất khẩu để hạn chế xuất khẩu và điều tiết lợi nhuận từ xuất khẩu cũng đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia hiện nay. Việc điều chỉnh này cũng phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Đa số đại biểu đều thống nhất với chủ trương này của Chính phủ. Dự kiến, sau khi thống nhất thêm một số vấn đề về trần thuế suất đối với một số mặt hàng như nông sản, biên độ khung, về nhóm mặt hàng dự phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chính thức thông qua để Biểu khung thuế xuất khẩu mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2009.

Cũng trong phiên họp này, UBTVQH đã xem xét, thảo luận Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh Thuế tài nguyên (sửa đổi). Theo đó, để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, không hiệu quả, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp quản lý, kiểm soát, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở tinh luyện và chế biến khoáng sản, Nhà nước sẽ sửa đổi, nâng khung thuế suất thuế tài nguyên hiện nay lên mức cao hơn.

Dự kiến có 5 nhóm loại tài nguyên được nâng khung thuế suất, như khoáng sản kim loại, vàng, đất hiếm, khí đốt, khí than,… tăng từ 1-8% lên mức 3-30%; khoáng sản không kim loại từ 1-5% lên 3-10%,…

UBTVQH sẽ sớm thông qua Dự thảo Pháp lệnh này để có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009.