Giữ Rừng ở Khu BTTN Ea Sô: Vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức

ThienNhien.Net – Là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích khá lớn, những năm gần đây Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Ea Sô luôn đối mặt với nạn săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép. Công tác giữ rừng của lực lượng kiểm lâm nơi đây cũng vì vậy luôn gặp nhiều khó khăn thách thức.

Từ năm 2011 đến nay, an ninh rừng của Khu Bảo tồn luôn trong tình trạng báo động đỏ, nạn săn bắt thú rừng ngày một gia tăng, hành vi khai thác lâm sản trái phép ngày càng tinh vi, lâm tặc ngày càng hung hãn. Khu BTTN ngày càng dễ bị xâm nhập hơn bởi các địa phận giáp ranh rừng gần như bị xóa sổ. Phía huyện Sông Hinh (Phú Yên) rừng đã được thay thế bằng những vườn cao su, phía Krông Pa (Gia Lai) thì doanh nghiệp đang khai hoang theo dự án, phía giáp với rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Krông Năng do yếu kém trong quản lý từ nhiều năm nên rừng ở đây cũng đã gần như trơ trụi, lâm tặc có thể dễ dàng băng qua những khu vực này để vào Khu Bảo tồn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Khu BTTN Ea Sô đã phát hiện, xử lý 155 vụ vi phạm lâm luật, bắt giữ 199 đối tượng vi phạm (trong đó chuyển Công an huyện Ea Kar khởi tố 6 vụ án hình sự với 12 đối tượng); tịch thu 35 khẩu súng tự chế, 47 cưa máy, 84 xe độ chế; phát hiện hơn 1.468 bẫy thú các loại.

211212_BTTN_Rung
Cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng ở Khu BTTN Ea Sô

Qua trao đổi với ông Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc Khu BTTN Ea Sô được biết, trước tình hình an ninh rừng luôn bị đe dọa, đơn vị đã tăng cường tổ chức các đợt tuần tra, truy quét lâm tặc, mỗi đợt kéo dài 1 tuần đến 10 ngày. Tuy nhiên, do địa bàn rộng (với diện tích quản lý bảo vệ 26.848 ha), giáp ranh nhiều khu vực nhạy cảm nên gặp nhiều khó khăn trong tuần tra, truy quét lâm tặc. Khu BTTN Ea Sô hiện có 71 cán bộ, công nhân viên, trong đó 56 kiểm lâm viên trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng. Biên chế trên tuy đủ theo quy định nhưng so với diện tích rừng quản lý thực tế thì vẫn còn quá mỏng.

Ngoài ra, áp lực dân di cư tự do cũng là một trong những thách thức đối với công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Thêm vào đó, thời gian gần đây rộ lên việc người dân khai thác gỗ đổi màu ở địa phận giáp ranh với huyện Krông Năng càng làm cho tình hình an ninh rừng nơi đây vốn phức tạp càng trở nên khó kiểm soát hơn. Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu tình trạng săn bắt động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái phép diễn ra khá phức tạp trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý của Khu BTTN Ea Sô tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành chức năng, địa phương trong tuần tra, kiểm soát, truy quét lâm tặc. Đồng thời phối hợp với các xã vùng đệm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Được đánh giá là một trong những khu bảo tồn giàu tài nguyên của cả nước, Khu BTTN Ea Sô không chỉ có những cây gỗ quý như: Trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te… mà còn là môi trường sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Cũng vì thế mà nhiều năm qua, Khu BTTN Ea Sô trở thành điểm nóng về vi phạm lâm luật.

Để giữ được rừng, không còn cách nào khác là lực lượng kiểm lâm phải trở thành những “cảnh sát” rừng tinh nhuệ, được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa các cơ quan chức năng từ cấp xã đến huyện trong tuần tra, truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng; xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm; phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm, sức mạnh của người dân sống gần rừng, có như vậy rừng mới được bảo vệ tại gốc.