Gió mùa và sự suy tàn của các triều đại Trung Hoa

ThienNhien.Net – Theo báo cáo của nhóm các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc công bố mới đây trên Tạp chí Science (Khoa học), sự suy tàn của một số triều đại Trung Hoa có thể liên quan tới sự suy yếu của gió mùa trong lịch sử.

Kết luận qua phân tích măng đá

Các nhà khoa học cho biết, thời kỳ gió mùa yếu và hanh khô xảy trùng khớp với thời suy vong của các triều đại nhà Đường, nhà Nguyên và nhà Minh.

Kết luận trên được rút ra từ lịch sử 1.800 năm của gió mùa châu Á qua nghiên cứu những dải măng đá trong một hang động của Trung Quốc. Măng đá được tạo ra bởi canxi các-bô-nát (CaCO3) – chất kết tủa hình thành từ những giọt nước nhỏ giọt từ nóc các hang động.

Kết quả phân tích hoá học một măng đá dài 118mm ở động Wangxiang, tỉnh Cam Túc, vùng Tây Bắc Trung Quốc cho thấy lịch sử các chu kỳ mạnh yếu của gió mùa, vốn là nguồn gốc của những trận mưa cho những vụ mùa bội thu nuôi sống hàng triệu người dân Châu Á.

Kết quả phân tích cũng đồng thời chỉ ra rằng, trong 50 năm gần đây, khí thải gây hiệu ứng nhà kính và khí phát sinh từ sự biến đổi của tự nhiên đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của gió mùa.

Sự diệt vong của các triều đại

Một số thay đổi nhỏ về hình dạng hay các chất đồng vị của kết cấu măng đá phản ánh sự thay đổi của các trận mưa gần khu vực hang động. Tỷ lệ các thành phần phóng xạ uranium và thorium trong hợp chất kết tủa cho phép các nhà nghiên cứu xác định được thời gian hình thành các lớp địa tầng măng đá trung bình khoảng hai năm rưỡi.

Bằng cách so sánh lịch sử các trận mưa và lịch sử Trung Quốc, nhà nghiên cứu Pingzhong Zhang thuộc Đại học Lanzhou, Trung Quốc và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng 3 trong 5 triều đại từng thống trị lâu dài trong lịch sử Trung Hoa – nhà Đường, nhà Nguyên và nhà Minh đã diệt vong sau nhiều thập kỷ gió mùa mùa hạ suy yếu cùng với điều kiện khí hậu khô cằn.

Nhà nghiên cứu Hai Cheng, đồng tác giả đến từ một trường đại học thuộc tiểu bang Minnesota, Mỹ lý giải: “Gió mùa mùa hạ có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương và quét qua Trung Quốc. Khi gió mùa mùa hạ mạnh, nó sẽ tràn sâu về phía Tây Bắc Trung Quốc. Những đợt gió mang theo một lượng lớn hơi nước này tạo nên lượng mưa cần thiết cho việc gieo cấy. Nhưng khi gió mùa yếu, mưa sẽ bị chặn lại ở phía Nam và phía Đông, làm giảm lượng mưa ở phía Bắc và phía Tây Trung Quốc”.

Theo suy luận của các nhà nghiên cứu, điều này có thể gây ra mùa màng thất bát và tình trạng đói kém của người dân: “Trong khi các tác nhân hiển nhiên khác có thể tác động tới lịch sử Trung Quốc, chúng tôi vẫn cho rằng khí hậu đóng vai trò quan trọng”.

Bên cạnh đó, gió mùa yếu cũng có thể gây ra sự thay đổi trên phạm vi rộng lớn hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng thời kì khô hạn từ những năm 850 sau CN đến năm 940 sau CN không những gây nên sự suy tàn của nhà Đường ở Trung Quốc mà còn làm sụp đổ nền văn minh Maya ở Châu Mỹ.

Tác động của con người

Theo các nhà nghiên cứu, các bằng chứng trong thiên nhiên đã chứng minh rằng sự thay đổi khí hậu có thể tàn phá cả một vùng dân cư – ngay cả khi sự thay đổi là rất nhỏ khi xét trên phạm vi toàn cầu.

Gió mùa tăng cường góp phần tạo nên sự gia tăng dồi dào nguồn lương thực, phát triển dân số và tạo sự ổn định chung vào thời kỳ đầu triều Tống. Lịch sử các đợt gió mùa còn trùng hợp với sự phát triển và suy tàn của dòng sông băng Thuỵ Sĩ.

Qua phân tích ở hang động cũng cho thấy, mặt trời đã ảnh hưởng tới hoạt động của gió mùa qua nhiều thế kỷ, và Mặt Trời đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi của hiện tượng thời tiết này. Xét trên phạm vi hẹp hơn, gió mùa đã hoạt động theo sự thay đổi của nhiệt độ bán cầu Bắc trong hàng thiên niên kỷ. Khi nhiệt độ tăng lên, gió mùa mạnh và khi nhiệt độ giảm, gió mùa suy yếu.

Tuy nhiên, 50 năm trở lại đây, mối quan hệ này đã thay đổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng mối quan hệ này bị ảnh hưởng bởi sự phát sinh hiệu ứng nhà kính và nguồn khí phát sinh khác do các hoạt động của con người.