Đường hóa học Aspartame và sức khỏe con người

ThienNhien.Net – Aspartame vốn được sử dụng phổ biến trong các loại nước uống và thực phẩm. Đặc biệt, đó là loại đường được khuyến cáo dùng cho người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hiện đã xuất hiện một số quan điểm lo ngại về tác dụng phụ của nó. Liệu loại đường hóa học này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?

Aspartame là gì?

Aspatame là loại đường hóa học không chứa calo. Loại đường này được công bố từ năm 1965 và đưa ra thị trường trong những năm 80 của thế kỷ trước. Rất nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia đã công nhận sự an toàn của đường hóa học Aspatame và chất này cũng đã được Ủy ban Khoa học của Tổ chức Nông Lương Quốc Tế (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chuẩn ADI (Liều lượng cho phép dùng hàng ngày).

Aspartame là chất bột màu trắng không mùi, ngọt hơn đường khoảng 200 lần, được sử dụng trong thực phẩm trên khắp thế giới. Nó được quảng bá đưới nhiều nhãn hiệu như Canderel, và NutraSweet và được dán nhãn E951 ở châu Âu.

Aspartame không bị phân hủy trong môi trường khô và đông lạnh nhưng có thể tan ra và mất độ ngọt qua thời gian khi được bảo quản ở môi trường ẩm ướt với nhiệt độ trên 30oC.

Khi vào cơ thể, bản thân Aspartame không hấp thụ vào máu qua đường ăn uống mà tan ra trong ruột thành ba chất: Axit Aspartic, Phenylalanine và Methanol. Con người hấp thụ Axit Aspartic, Phenylalanine và Methanol từ aspartame nhiều hơn từ thực phẩm tự nhiên thông thường. Nếu dùng liều lượng vượt chuẩn ADI, Axit Aspartic và Methanol không gây phản ứng nhưng Phenylalamine sẽ kết tụ  trong máu. 

Aspartame có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?

Hiện nay có một số ý kiến tỏ ra quan ngại về Aspatame và các sản phẩm được kiểm định có chứa Aaspartame vì cho rằng chất này có thể là nguyên nhân gây đau đầu, động kinh, u não và một số bệnh khác. Trong khi đó, một số nghiên cứu khoa học về aspartame và các thành phẩm sau khi tan ra của nó dựa vào các thí nghiệm trên động vật và con người đã đưa ra kết luận:

– Không có mối liên hệ nào giữa aspartame và tác hại đối với gen hay gây ung thư.
– Aspartame không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và và phát triển, ngoại trừ những tác dụng phụ đối với liều lượng cao gấp 100 lần chuẩn ADI.
– Aspartame không gây rối loạn hệ thần kinh.
– Aspartame không ảnh hưởng đến hành vi nhận thức và tâm lý, ngoại trừ trường hợp có thể ảnh hưởng ở những người bị suy sụp tinh thần.
– Aspartame chưa được phát hiện là tác nhân gây đau đầu.
– Các nhà khoa học đã phủ nhận mối liên hệ được giả định giữa Aspartame và các cơn động kinh.
– Aspartame không gây dị ứng và tăng cân. 
– Một số ảnh hưởng không đáng kể có thể xuất hiện ở liều lượng rất cao, nhưng không có ảnh hưởng nào được phát hiện khi dùng đúng liều lượng hay dưới liều lượng cho phép theo chuẩn ADI.
 

 
Theo khuyến cáo Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Quản lý Dược-Thực phẩm Mỹ (FDA), liều dùng cho phép của Aspartame mỗi ngày (ADI) là 40 mg/kg thể trọng. 

Ở châu Âu, lượng tiêu thụ Aspartame được khuyến cáo là không quá 40% ADI.