Tributyltin đã có mặt trong danh sách hóa chất độc hại quốc tế

ThienNhien.Net – Trong phiên họp cuối tháng 10/2008, các quốc gia thành viên Công ước Rotterdam đã nhất trí thêm Tributyltin vào danh sách các hoá chất cấm hoặc kiểm soát chặt chẽ. Song các cuộc đàm phán đã không đạt được nhất trí để đưa chrysotile abestos và endosulfan vào danh sách độc hại.

Hiện nay trên giới có khoảng 70.000 hóa chất khác nhau và mỗi năm lại có thêm khoảng 1.500 hóa chất mới được đưa vào sử dụng. Đó là thách thức lớn đối với công tác giám sát và quản lý các chất nguy hiểm tiềm ẩn. Nhiều hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) đã bị cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng tại các nước phát triển nhưng vẫn được sử dụng và trôi nổi trên thị trường các nước đang phát triển.

Rõ ràng việc sử dụng hóa chất trong nền kinh tế hiện đại đang tăng cấp số mũ. Achin Steiner, Giám đốc Điều hành UNEP phát biểu: “Quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế xanh đang đòi hỏi trách nhiệm của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cả xã hội trong việc nhìn nhận và đánh giá vai trò cũng như những tác động của các hoá chất đối với sức khoẻ cộng đồng.”

Hội nghị lần này đã nhất trí đưa thêm hợp chất Tributytin (TBT) vào danh sách các hoá chất độc hại bị kiểm soát. Cùng với sự góp mặt của thành viên mới là hợp chất TBT, hiện nay danh sách PIC (yêu cầu các nước xuất khẩu phải hoàn toàn nhận được sự chấp thuận của nước nhập khẩu trước khi xuất đi các hóa chất này) của công ước có 39 hóa chất nguy hiểm.

Hợp chất TBT được sử dụng phổ biến trong sơn chống gỉ cho vỏ tàu. Hợp chất này có thể gây độc cho cá, động vật thân mềm và các sinh vật biển khác. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã cấm sử dụng sơn chống gỉ chứa hợp chất TBT trong công nghiệp đóng tàu.

Tuy nhiên trong hội nghị, nhiều chính phủ thể hiện sự quan ngại thực sự trước thất bại không đưa Chrysotile asbestos và Endosulfan vào danh sách. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì Chrysotile là một hợp chất thuộc nhóm asbestos có khả năng gây ung thư ở người. Và có ít nhất 90.000 người chết mỗi năm do các bệnh liên quan tới asbestos như ung thư phổi và u trung biểu mô, một dạng u thư hiếm gặp liên quan trực tiếp tới asbestos.

Chrysotile asbestos là dạng sử dụng phổ biến nhất của asbestos, chiếm khoảng 94% sản lượng asbestos toàn cầu. Chất này được sử dụng rộng rãi trong vật liệu xây dựng như xi măng, ống nước và tấm lợp asbestos và trong sản xuất sản phẩm ma sát, miếng đệm và giấy. Còn Endosulfan là HCBVTV được sử dụng rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt là trong quá trình trồng bông. Đây là hóa chất nguy hiểm đối với môi trường và có hại cho sức khỏe con người.


Công ước Rotterdam là công ước quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch cũng như chia sẻ thông tin về nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường của các loại hoá chất công nghiệp và HCBVTV.