Nguy cơ ô nhiễm thủy ngân từ các ngành sản xuất

ThienNhien.Net – Thủy ngân là một kim loại nặng được sử dụng khá nhiều trong công nghiệp và đời sống. Trong đó nguồn thải chủ yếu là từ các ngành sản xuất pin thủy ngân, nhiệt kế, bình thủy tinh, đèn neon (dạng hơi), thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, khí thải từ lò đốt rác, khu khai thác quặng và đặc biệt trong những năm gần đây là vần đề ô nhiễm thủy ngân do hoạt động của ngành công nghiệp sản xuất xi măng.

Thủy ngân – một chất độc nguy hiểm

Thủy ngân được thải ra môi trường làm ô nhiễm không khí, đất mặt và xâm nhập vào nguồn nước. Trong môi trường nước, đặc biệt là nước biển thủy ngân từ dạng vô cơ ít độc sẽ bị chuyển hóa thành dạng thủy ngân hữu cơ (methyl thuỷ ngân) rất độc hại.

Khi xâm nhập vào cơ thể thủy ngân sẽ liên kết với những phân tử nucleotit trong cấu trúc protein làm biến đổi cấu trúc và ức chế hoạt tính sinh học của tế bào. Sự nhiễm độc thủy ngân có thể gây nên những thương tổn cho trung tâm thần kinh với các triệu chứng như run rẩy, khó khăn trong diễn đạt và giảm sút trí nhớ, nặng hơn là gây tê liệt, nghễnh ngãng, nói lắp, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Đặc biệt là phụ nữ mang thai khi bị phơi nhiễm với thủy ngân có thể sinh con bị nhiễm độc thủy ngân bẩm sinh gây quái thai, dị tật. Một thí dụ điển hình về nhiễm độc thủy ngân xảy ra ở Nhật Bản gây ra căn bệnh Minamata kinh hoàng. Những người mắc bệnh chủ yếu là do ăn cá bị nhiễm độc thủy ngân do nước thải của các nhà máy hóa chất. Theo tổ chức Cứu trợ Nhật Bản cho đến nay đã có khoảng 13.000 người mắc căn bệnh này và có 2.000 người tử vong.

Tình hình ô nhiễm thuỷ ngân trên thế giới

Từ cuối những năm 1970 các hoạt động khai thác mỏ bùng nổ tại một số nước xung quanh khu vực sông Amazon, gây ra tình trạng ô nhiễm thủy ngân trên lưu vực con sông này và các thủy vực xung quanh. Đến nay, ô nhiễm thủy ngân đã trở thành một vấn nạn mang tính toàn cầu, xuất hiện tại nhiều nước như Tanzania, Philippin, Indonexia, Trung Quốc, Brazin, Mỹ, Canada…Báo cáo gần đây của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho thấy các hoạt động của con người đã làm tăng hàm lượng thủy ngân trong khí quyển lên 3 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, với tốc độ phát triển công nghiệp, nông nghiệp nhanh như vũ bão thì lượng thủy ngân tiêu thụ cũng tăng lên một cách chóng mặt. Tổng lượng thủy ngân được tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm 2000 là khoảng 900 tấn, chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng thủy ngân trên toàn thế giới.

Nguồn cung cấp thủy ngân ở Trung Quốc chủ yếu là từ các tỉnh như Quế Châu, Sơn Tây, Hà Nam, và Tứ Xuyên. Trong đó Wanshan – một địa danh thuộc tỉnh Quế Châu được biết đến như là một “trung tâm thủy ngân”.

Trong giai đoạn 1950 – 1990, khu vực này đã khai thác hơn 20.000 tấn thuỷ ngân để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là vùng có nồng độ thủy ngân tích lũy trong nước sông hồ và động thực vật rất cao: dao động trong khoảng 3,2 – 680 mg/L và 0,47 – 331 mg/kg, cao hơn nồng độ tối đa cho phép của Trung Quốc từ 16 – 232 lần. Ngoài ra, thủy còn tích luỹ trong gạo với hàm lượng cao và trở thành nỗi khiếp sợ của người dân tại đây.

Ở khu vực Nam Mỹ, ô nhiễm thủy ngân chủ yếu là từ hoạt động khai thác vàng. Thủy ngân được sử dụng để tách vàng từ quặng sa khoáng. Theo các báo cáo nghiên cứu của Elmer Diaz, Đại học Idaho, Mỹ về mức độ nhiễm thủy ngân ở các nước trên lưu vực sông Amazon cho thấy hàm lượng thủy ngân có trong các loài cá sống ở đây rất cao, từ 10,2 – 35,9 ppm. Hàm lượng thủy ngân có trong mẫu tóc và máu xét nghiệm của người dân sống xung quanh lưu vực các con sông như Tapajos, Madeira và Negro những nơi mà hoạt động khai thác vàng diễn ra mạnh mẽ – được xác định lần lượt là được là 0,74 – 71,3 µg/g tóc và từ 90 – 149 µg/l.

Braxin là nước sản xuất vàng đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Nam Phi, do đó lượng thủy ngân thải ra môi trường cũng rất lớn.

Còn ở Mỹ và Canada vấn đề ô nhiễm thủy ngân gần đây cũng gây ra nhiều xung đột. Trong đó, ngành sản xuất xi măng hiện đang bị lên án nhiều nhất. Thủy ngân tồn tại trong nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là trong đá vôi) và nhiên liệu (chủ yếu là than đá). Trong điều kiện nhiệt độ lò đứng/lò cao, thủy ngân được giải phóng và thoát ra ngoài cùng các khí thải khác.

Trong không khí, thuỷ ngân có thể gây độc trực tiếp cho người bị phơi nhiễm, hoặc theo mưa xâm nhập vào môi trường đất, nước và gây hại cho con người và sinh vật nhờ quá trình khuyếch đại sinh học thông qua chuỗi thức ăn.

Báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho biết trong số hơn 100 nhà máy sản xuất xi măng đang hoạt động tại Mỹ, hiện có 27 nhà máy đang gây ô nhiễm thuỷ ngân một cách nghiêm trọng.

Các nhà máy này thải ra môi trường từ 25 – 50 tấn thuỷ ngân mỗi năm, gây ra tình trạng ô nhiễm thuỷ ngân cục bộ và có nguy cơ lan ra trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp môi trường và sức khoẻ của người dân. Đã có hơn 20.000 người dân viết đơn gửi tới EPA yêu cầu được giúp đỡ và bảo vệ họ trước nguồn ô nhiễm khí độc phát thải ra từ các nhà máy sản xuất xi măng này.

Việt Nam – Nguy cơ đang hiện hữu

Ở Việt Nam cho đến nay, vấn đề nghiên cứu nguy cơ ô nhiễm thuỷ ngân từ các ngành sản xuất còn ít được quan tâm. Song, với tình trạng khai thác quặng, đặc biệt là khai thác vàng diễn ra một cách tràn lan, thiếu quy hoạch đồng bộ như hiện nay thì nguy cơ thuỷ ngân xâm nhập vào môi trường sống, đặc biệt nguồn nước sinh hoạt và nước tưới là rất cao.

Bên cạnh đó, các nhà máy xi măng liên tiếp mọc lên để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản của đất nước trong thời kỳ đô thị hoá. Các lò nung trong các nhà máy sản xuất xi măng ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu là sử dụng than đá làm nhiên liệu. Do đó, có thể thấy rằng nguy cơ phát thải thuỷ ngân từ hoạt động sản xuất xi măng cũng sẽ không nhỏ.