Tập đoàn thực phẩm bành trướng, sức khỏe người tiêu dùng ai lo?

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, số người thừa chất dinh dưỡng trên thế giới gần như xấp xỉ số người thiếu chất dinh dưỡng (1,1 triệu người). Sự tăng lên nhanh chóng những căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống có liên quan đến việc kiểm soát thị trường thực phẩm của các tập đoàn lớn.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 căn bệnh mãn tính không lây nhiễm gồm: bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường đang tăng nhanh trên toàn cầu. Chế độ ăn thiếu lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu cho những căn bệnh này.

Trên thế giới có khoảng 22 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và ít nhất 2,6 triệu người chết mỗi năm do thừa cân và béo phì. Chỉ riêng ở Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, WHO ước tính thu nhập quốc dân đổ vào chữa trị riêng ba căn bệnh không lây nhiễm trên trong thập kỷ tới sẽ phải mất gần 1,1 nghìn tỉ USD. Một Trung tâm Nghiên cứu Chăm sóc sức khỏe ước tính rằng trong năm 2002 tổng số chi phí dành chữa căn bệnh béo phì là 92,6 tỉ USD, trong đó một nửa chi phí này là do chương trình Chăm sóc và Hỗ trợ y tế của chính phủ chi trả.
 
Các tập đoàn thực phẩm hiện nay kiếm soát phần lớn thị trường thực phẩm thế giới. Có 6 tập đoàn kiểm soát 85% thị trường buôn bán lúa của thế giới, 15 tập đoàn thực phẩm đứng đầu trên thế giới chiếm 30% trong số 2 nghìn tỉ USD chi cho thực phẩm trên toàn cầu mỗi năm và 50 công ty thực phẩm hàng đầu chiếm 28,3% lượng thực phẩm được bán ra trên toàn cầu.
 
Không chỉ có thực phẩm tươi sống được nhập khẩu ồ ạt mà những thực phẩm đóng gói do Mỹ sản xuất ngày càng bầy bán nhiều ở những cửa hàng trong các nước đang phát triển, thậm chí các nhà hàng Mỹ còn đang đem đồ ăn có hại cho sức khỏe nhất của người Mỹ tới những đất nước xa xôi. Các chi nhánh của YUM đã mở hơn 1.800 của hàng KFC và 250 cửa hàng Pizza Hut ở Trung quốc và gọi thị trường này là “thị trường số 1 để phát triển chuỗi nhà hàng mới trên thế giới”. Mc Donald có hơn 31.000 cửa hàng ở 118 nước; Trung tâm Huấn luyện Hamburger University của Mc Donald hiện đào tạo học viên bằng 28 ngôn ngữ khác nhau.
 
Nhưng ông vua của thị trường toàn cầu hiện nay là Coca-Cola với các sản phẩm hiện có mặt ở hơn 200 quốc gia trên thế giới, nhiều hơn số quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Gần 1/3 số tiền mà Coca-Cola kiếm được là từ các thị trường ngoài Bắc Mỹ và Châu Âu; ở các nước như Trung Quốc và Ấn độ,doanh số bán hàng của hãng này luôn đạt gấp đôi các nước khác.
 
Ngành quảng cáo lôi kéo giới trẻ
 
Ngành thực phẩm chi vào quảng cáo còn nhiều hơn ngành thuốc lá. Những quảng cáo này hướng giới trẻ quan tâm đến những thương hiệu còn thua kém về chất lượng dinh dưỡng nhằm tăng lượng tiêu thụ thực phẩm của họ. Tầm ảnh hưởng của quảng cáo khiến một vài chuyên gia y tế về dinh dưỡng đã phải cảnh báo về những căn bệnh liên quan đến chế độ ăn uống như “ốm do thị trường”.
 
Theo ước tính, các hãng thực phẩm đã chi 12 tỉ USD cho quảng cáo truyền thông toàn cầu, còn các chuyên gia dinh dưỡng ước tính tổng chi phí xúc tiến thương mại của các công ty thực phẩm đạt 36 tỷ USD và quảng cáo thực phẩm nhắm tới trẻ em nhiều gấp đôi các quảng cáo thực phẩm khác.
 
Hoạt động marketing của các hãng thực phẩm rất phong phú, bao gồm việc sử dụng các nhân vật hoạt hình, người nổi tiếng, lồng hình ảnh sản phẩm trong các bộ phim trên truyền hình, tặng đồ chơi và các giải thưởng cho khách hàng.
 
Sự can thiệp của chính quyền vào chính sách dinh dưỡng
 
Khi các chính phủ không can thiệp một cách thích đáng, hình ảnh thân thiện của các tập đoàn thực phẩm sẽ nhanh chóng biến mất. Tương tự trường hợp xảy ra năm 2003 khi Tổ chức y tế Thế giới, và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc đưa ra khuyến cáo rằng mọi người nên hạn chế đường ở mức dưới 10% trong chế độ ăn để đảm bảo sức khoẻ.

Ngành đường đã đe doạ trong một bức thư gửi đến cho ông Gro Harlem Brundtland, Tổng giám đốc WHO rằng sẽ “tiến hành mọi cách thức có thể để vạch trần bản chất đáng ngờ” của bản báo cáo, bao gồm cả việc xem xét lại khoản đóng góp 406 triệu USD cho WHO. Đáp lại sự can thiệp thô bạo này, các nhóm thành viên WHO đã thông qua Chiến lược toàn cầu về Chế độ ăn uống, Hoạt động thể chất và Sức khoẻ, nhưng đã loại trừ mọi chỉ dẫn của các chuyên gia về chế độ dinh dưỡng liên quan đến đường.
 
Chính phủ Mỹ tiếp tục ủng hộ thực phẩm không có lợi cho sức khỏe
 
Việc chính phủ trợ giá cho nông nghiệp quảng canh đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm giá của xiro ngô có lượng đường cao và những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe khác. Dưới sức ép quyền lực của các tập đoàn thực phẩm lớn như Cargill, Archer Daniels, Midland, Coca-Cola, Pepsi, Tyson Foods và nhiều tập đoàn khác, chính phủ trợ giá cho ngô và đậu tương nhiều calo, và không trợ giá cho hầu hết các loại thực phẩm vì sức khỏe mà chúng ta cần ăn nhiều hơn là rau quả. Việc trợ giá ngũ cốc và không trợ giá rau quả tạo cho các loại thức ăn không có lợi cho sức khỏe một sức cạnh tranh về giá cả, khiến chúng trở thành sự lựa chọn của nhiều gia đình nghèo mặc dù chúng không có lợi cho sức khỏe.


Việc trợ giá đã tăng cường sự kiểm soát thực phẩm của các tập đoàn lớn. Từ năm 2003 đến 2005, 66% trong 34,8 tỉ USD trợ giá nông nghiệp của Mỹ đã được trao cho 10% nông trại lớn nhất, tăng lên nhiều so với 55% tiền trợ giá cho những nông trại lớn nhất năm 1995.