Sạt lở ven biển Đất Mũi ảnh hướng đến sinh kế của người dân

ThienNhien.Net – Sạt lở ven biển Đất Mũi khiến sinh kế người dân, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh, nhiều gia đình phải cho con em nghỉ học.

Tình trạng sạt lở ven biển Tây của Cà Mau ngày càng phức tạp, không chỉ hàng ngàn ha rừng phòng hộ đã mất, diện tích đất rừng người dân được giao khoán để phát triển nuôi trồng thủy sản cũng bị biển cuốn phăng. Sinh kế người dân không còn, các khu dân cư bị uy hiếp, đời sống bấp bênh,… Nhiều gia đình phải cho con em nghỉ học, thậm chí có cả những em nhỏ không được đi học.

Gia đình bà Phan Thị Nga (ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, Trần Văn Thời) có 5 nhân khẩu. Trước đây, kinh tế của gia đình chủ yếu dựa vào gần 2 ha đất vuông được giao khoán. Nhưng vài năm trở lại đây, do tình trạng sạt lở ven biển nghiêm trọng, kinh tế gia đình lâm cảnh khó khăn hơn.

Tất cả những hộ dân sống tại vàm Rach Miễu đều đã phải dời nhà vài lần.

Bà Nga kể, vợ chồng bà về mua đất lập nghiệp ở địa phương khoảng năm 2001. Khi đó, mỗi nước xổ vuông gia đình có nguồn thu từ 2 – 3 triệu đồng (1 tháng có 2 con nước).

Kết hợp với nghề đánh bắt ven biển, gia đình bà sống khỏe. Tuy nhiên, không lâu sau, biển lở miết, đánh tan dải rừng phòng hộ dài gần 1 km vào đến đất nuôi tôm. Chớp nhoáng vài năm, gia đình đã phải dời bờ vuông ngăn sóng biển vài lần. Cách đây khoảng 5 năm vuông tôm còn lại chỉ chừng gần 1 ha. Do nước lớn lại vỡ bờ bao nên gia đình đành bỏ mảnh đất giàu tôm cá.

Cũng vì mất nguồn thu nhập chính, kinh tế gia đình bà Nga có phần đi xuống. Đuối sức lo cho cả 3 người con nhỏ đi học, vợ chồng bà đã quyết định cho con trai lớn mới học hết lớp 9 nghỉ học, đi làm để phụ giúp gia đình.

Còn gia đình anh Trần Văn Quý (Khóm 6B, TT.Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) đã bám trụ tại vàm Rạch Miễu gần 20 năm rồi. Nhưng chỉ khoảng 5 năm nay, gia đình anh phải dời nhà 3 lần do sạt lở.

Tương lai những đứa trẻ chơi đùa nơi ngọn sóng đầu gió, phải nghỉ học sớm sẽ đi về đâu?

Theo chia sẻ của anh Quý, cách đây khoảng 10 năm, biển lúc lở lúc bồi, đường bờ biển cách vị trí nhà anh ở đến hơn 1 km. Thời gian gần đây, biển không bồi, không đắp mà cứ bị sóng dữ đánh lở. Khu dân cư này, trước đây có mấy chục hộ, nhưng biển lấn miết chỉ còn 15 hộ ráng bám trụ lại để sống bằng nghề đánh bắt ven bờ.

Gia đình anh Quý có 6 khẩu, nhưng chỉ có mình anh là lao động chính. Thời gian qua, vùng biển mình ngày động lại nhiều hơn những ngày yên ả nên việc kiếm thêm thu nhập rất khó. Đặc biệt, mấy lần dời nhà vừa qua đã khiến những đồng vốn tích góp của gia đình đi hết theo tiếng sóng gào thét. Cùng cực, anh phải cho đứa con lớn nghỉ, khi vừa xong lớp 5. Sau đó, mặc dù chưa hoàn thành chương trình cấp 1, đứa con thứ cũng phải dừng bước đến trường. Đau lòng hơn, do phải tối tăm mặt mày với miếng cơm manh áo mà đứa con gái út của gia đình đã 6 tuổi rồi, vẫn chưa được nhìn thấy cái chữ nào ở lớp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt Quản lý Rừng phòng hộ biển Tây cho biết: “Năm 2009, diện tích rừng do đơn vị quản lý lên tới hơn 4.100 ha. Số liệu mới nhất hiện nay diện tích rừng chỉ còn khoảng 2.100.

Nguyên nhân làm diện tích rừng suy giảm mạnh là do biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển biễn ra toàn tuyến. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo kết thúc hợp đồng nhận khoán rừng với người dân. Chúng tôi đã thanh lý hợp đồng với 630 hộ dân được giao khoán, nhưng do chưa có chỗ cho bà con tái định cư, nên nhiều hộ chưa dời đi”.

Trên địa bàn quản lý của Hạt Quản lý Rừng phòng hộ biển Tây còn có hơn 400 hộ dân sống trong các khu dân cư ven biển, cuộc sống bà con luôn chực chờ sạt lở rất nguy hiển. Tuy nhiên, do nguồn vốn của tỉnh còn nhiều khó khăn nên chưa thể hỗ trợ người dân di dời vào nơi an toàn.

Cũng theo ông Ngô Hoàng Sơn, đa số những hộ dân này đều nghèo khó nên mới phải bám biển, bám rừng kiếm sống. Họ rất cần có chính sách hỗ trợ để bớt được được khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Từ 2009 trở lại đây, do biến đổi khí hậu, cho nên tình hình sạt lở tương đối lớn. Cái này phải nói, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con chủ yếu sống bằng nghề biển và nuôi trồng thủy sản. Khi dô trong không có tư liệu sản xuất, nên mong sao các cấp lãnh đạo, xem xét, nghiên cứu và hỗ trợ đối với những người dân vùng rừng.

Thực trạng sạt lở ven biển của Cà Mau vẫn đang diễn diễn rất phức tạp. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh này, trên 250 km đường bờ biển của Cà Mau, hiện có 2/3 diện tích đang chịu sạt lở.

Tính từ năm 2007 đến nay, tỉnh này đã mất hơn 4.000 ha đất rừng. Biển không chỉ lấn rừng phòng hộ mà còn chiếm đất sản xuất, uy hiếp nhà dân. Đặc biệt, con chữ của những em nhỏ đã và đang đứng trước nguy cơ bị sạt lở “xâm chiếm”. Vấn đề này đang rất cần lời giải từ ngành chức năng Cà Mau.