Kiểm tra xử lý chất thải của Công ty Miwon Việt Nam

ThienNhien.Net – Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ do ông Trần Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở làm Trưởng đoàn, đã đến kiểm tra việc thực hiện xử lý chất thải tại Công ty Miwon Việt Nam, từ ngày 06 – 08/10/2008.

Đoàn kiểm tra tập trung làm rõ các vấn đề là môi trường nước và nước thải; chất thải rắn và chất thải nguy hại; tiếng ồn, bụi, khí thải.

Đoàn kiểm tra cũng tìm hiểu việc thực hiện báo cáo tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp xử lý môi trường theo yêu cầu cam kết trong báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt.

Dự kiến sau một tuần, đoàn sẽ có kết luận chính thức và hướng xử lý. Trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, nhiều người dân thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã đến cổng Công ty Miwon Việt Nam đóng trên địa bàn yêu cầu ngừng xả nước thải ra môi trường.

Theo phản ánh của người dân, nước thải của nhà máy có màu đen, có mùi hôi thối, gây rát cổ, tức ngực, đầy bụng; nhiều người phải đeo khẩu trang cả khi ngủ.

Công ty TNHH Miwon Việt Nam chuyên sản xuất mì chính được thành lập năm 1994, đi vào hoạt động năm 1996, có công suất 10.000 tấn/năm. Giai đoạn đầu công ty mua axít glutamic từ nước ngoài và trong nước để trung hoà, kết tinh thành mì chính. Giai đoạn này, nước thải trong quá trình sản xuất rất ít do không phải chế biến từ nguyên liệu. Từ năm 2007, công ty mở rộng sản xuất và nâng công suất lên 35.000 tấn/năm.

Để chủ động sản xuất, công ty đã nhập tinh bột sắn, mật rỉ đường, áp dụng công nghệ lên men. Công ty ký hợp đồng xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 1.600 m3/ngày đêm, dùng công nghệ vi sinh để phân huỷ.

Tuy nhiên, do năng lực của đơn vị thi công không đáp ứng đuợc yêu cầu, công ty đã chấm dứt hợp đồng và tìm đơn vị thi công khác. Hiện nay, trạm xử lý nước thải đang trong quá trình vận hành thử nghiệm và chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ xác nhận theo Nghị định 80/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ.

Theo số liệu của công ty cung cấp, lượng nước máy sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt khoảng hơn 300 m3/ngày, đêm.