Các thảm hoạ liên quan đến thời tiết ngày càng gia tăng

ThienNhien.Net – Số liệu thống kê cho thấy thảm hoạ tự nhiên nói chung và thảm họa về thời tiết nói riêng đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu do ảnh hưởng của những nhân tố kinh tế xã hội và môi trường tự nhiên. Cùng với các vấn đề về môi trường tự nhiên mà con người đang phải đối mặt, sự gia tăng của các thảm họa về thời tiết cũng là một thách thức đối với nhân loại. Bài viết dưới đây của tác giả Petra Löw đăng trên trang web của Viện Quan sát Thế giới sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này.

Những con số đáng báo động

Năm 2007 trên toàn thế giới có 874 thảm hoạ liên quan tới thời tiết, tăng 13% so với năm 2006 và là con số lớn nhất từ khi các thảm hoạ tự nhiên bắt đầu được theo dõi và ghi nhận một cách có hệ thống vào năm 1974. Số thảm hoạ thời tiết trên khắp thế giới tăng dần lên trong các thập kỷ qua: trung bình có 300 thảm hoạ được ghi nhận hàng năm trong những năm 1980, 480 thảm hoạ/năm trong những năm 1990, và 620 thảm hoạ/năm trong 10 năm qua.

Thảm hoạ về thời tiết có thể chia làm các nhóm: biến cố về khí tượng, biến cố về thuỷ văn và biến cố về khí hậu.

Các biến cố về khí tượng bao gồm bão nhiệt đới (lốc xoáy ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, gió xoáy), bão ngoại nhiệt đới (bão mùa đông), bão cục bộ (những trận bão khốc liệt, sấm sét và mưa to, dông kèm mưa đá, bão tuyết, vòi rồng).

Biến cố về thuỷ văn bao gồm lũ lụt (lũ lụt, sóng cồn ven biển), sự chuyển động của những vật chất rắn ẩm (lở đất, lở tuyết, lún đất).

Biến cố về khí hậu xảy ra khi nền nhiệt độ đạt tới cực đỉnh (cực nóng hay cực lạnh ), hạn hán, hỏa hoạn (cháy rừng, đồng cỏ và cháy trong thành phố).

Trong năm 2007, số lượng thảm hoạ về thời tiết chiếm đến 91% số lượng thảm hoạ tự nhiên (thảm họa tự nhiên bao hàm rộng hơn, gồm cả động đất, sóng thần, núi lửa, sự chuyển động của những vật chất rắn khô như bão cát) và 97% phí bảo hiểm được chi trả toàn cầu.

Cũng trong năm ngoái 2007, tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thảm hoạ về thời tiết gây ra là 69 tỉ USD, tăng 36% so với năm 2006. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng 2006 là năm có mức độ thiệt hại thấp một cách bất thường. Vì hai năm trước đó 2004 và 2005, mức thiệt hại cao hơn rất nhiều (lần lượt là 108 tỉ USD và 214 tỉ USD) do phải hứng chịu các trận siêu bão.

Số người tử vong do các thảm hoạ về thời tiết năm 2007 là 15.925 người, chiếm tới 95% số người tử vong do các thảm hoạ tự nhiên, và tăng 14% so với năm 2006. Hơn một nửa trong số đó là tử vong do lũ, 39% do bão, 3% do sạt lở đất, lở tuyết, và 5% do các hiện tượng khí hậu như biến đổi nhiệt độ và cháy.

Những thảm hoạ nghiêm trọng nhất trong năm 2007 chủ yếu xảy ra ở những quốc gia đang phát triển. Những trận bão lớn, lũ lụt, lở đất xảy ra ở nhiều nước châu Á đã làm thiệt mạng hơn 11.000 người, trong đó 3.300 người chết do cơn bão Sidr tấn công vào Bangladesh hồi tháng 11. Và cơn bão Gonu hồi tháng 6 đi qua vùng biển Arập tới Oman cũng được xem là cơn bão kinh hoàng nhất từng được ghi nhận trên vùng biển Arập.

Số lượng bão được đặt tên trong mùa bão năm 2007 là 15 cơn, hơn rất nhiều so với số lượng bão trung bình mỗi năm là 10,6 trận tính từ năm 1950 đến năm 2006 và gần bằng với mức trung bình của Đại Tây Dương trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số những trận bão năm ngoái (Dean và Felix) được xếp vào loại bão mạnh nên số lượng những trận bão mạnh của năm 2007 vẫn ở dưới mức trung bình.

Ở Mexico, tháng 11/2007 chứng kiến một trận lũ có sức tàn phá mạnh nhất trong vòng 50 qua trên một khu vực rộng lớn thuộc bang Tabasco và Chiapas. Khoảng 1 triệu người đã mất nhà cửa và toàn bộ tài sản. Chính quyền Mexico buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Năm 2007, châu Âu cũng phải hứng chịu những thảm hoạ tự nhiên nghiêm trọng. Cơn bão tuyết Kyrill hồi tháng giêng và hai trận lụt xảy ra ở vương quốc Anh vào mùa hè năm ngoái là những thảm hoạ tự nhiên lớn gây thiệt hại kinh tế lên tới 18 tỉ USD, trong đó số tiền chi cho bảo hiểm là 12 tỉ USD.

Ở miền Tây nước Nga và Nam Âu, mùa hè năm ngoái là một mùa hè khô nóng với nhiêt độ có lúc lên đến 450C. Còn Hy Lạp phải chịu thiệt hại về kinh tế do cháy rừng tới 2 tỉ USD.

Hoa Kỳ thiệt hại 60 triệu USD trong mùa bão 2007, thấp hơn mức trung bình hàng năm nhưng lại phải hứng chịu những trận cháy rừng và những đợt nắng nóng khốc liệt. Ở California hàng trăm vụ hỏa hoạn lớn nhỏ xảy ra từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 đã huỷ hoại rất nhiều vùng đất hoang dã rộng lớn. Thiệt hại về kinh tế lên tới 2,7 tỉ USD trong đó có 2,3 tỉ USD chi cho bảo hiểm. Còn miền Trung và miền Nam Hoa Kỳ tháng 8 năm 2007 lại gặp phải một đợt nóng gay gắt, được ghi nhận nóng nhất trong 113 năm trở lại đây.

Thiệt hại nhiều ở khu vực đông dân

Những nhân tố kinh tế xã hội và sự biến đổi không ngừng của các hiện tượng và các hình thái tự nhiên là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng thảm họa thời tiết và những thiệt hại gây ra cho toàn cầu.

Các nhân tố kinh tế xã hội có liên quan đến các thảm họa thời tiết là sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hoá với sự tập trung dân cư và hàng hoá ở những thành phố lớn, sự tái định cư và công nghiệp hoá ở nhiều vùng với mức độ cao.

Tính đến cuối năm 2008, hơn một nửa thế giới sẽ sống trong các đô thị. Đặc biệt, ở Châu Á và Châu Phi, tỷ lệ dân cư đô thị của những nước đang phát triển tăng nhanh đến mức đáng báo động. Các thủ đô và những đô thị lớn là những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi những thảm hoạ tự nhiên, nhất là những thảm hoạ về thời tiết.

Trong khi đó, trong một thông báo mới đây, Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự nóng lên toàn cầu và sự tăng lên đáng kể về tần số cũng như cường độ của các hiện tượng thời tiết bất lợi. Biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến nhiều đợt nóng hơn, lượng mưa lớn hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và nhiều bão nhiệt đới hơn. Điều đó có nghĩa là với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay thì những thảm hoạ thời tiết sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Mức độ ảnh hưởng của thảm hoạ về thời tiết còn phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Trong giai đoạn 1980-2007, tỷ lệ thảm hoạ tự nhiên xảy ra ở những nước phát triển là 46% nhưng số người thiệt mạng chỉ chiếm 8% trong tổng số người chết do thảm hoạ tự nhiên trên toàn cầu, trong khi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ thảm hoạ là 54% nhưng số người thiệt mạng lại chiếm tới 92%. 

Gìn giữ môi trường là hình thức bảo hiểm hiệu quả nhất

Bảo hiểm được coi là một cách giúp người dân khắc phục thiệt hại do các thảm họa về thời tiết gây ra. Tuy nhiên, vai trò của bảo hiểm cũng phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế.

Khi những thảm hoạ thời tiết xảy ra, viện trợ quốc tế chỉ là một phần hỗ trợ cho những quốc gia thành viên. Do đó, để bảo vệ tính mạng và tài sản trước những thiệt hại do thiên tai gây ra cần phải có một cơ chế hợp tác công – tư hiệu quả giữa chính phủ và các tổ chức cung cấp giải pháp bảo hiểm vi mô cho các hộ gia đình.

Hãng Bảo hiểm Rủi ro Thảm họa tự nhiên khu vực Ca-ri-bê (CCRIF) là một minh chứng cho sự thành công của quan hệ hợp tác công – tư. Được thành lập năm 2006 theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới, CCRIF hỗ trợ về tài chính cho 16 nước trong khu vực Ca-ri-bê để khắc phục hậu quả của những cơn bão và động đất trong khu vực.

Mục đích của hãng là cung cấp cho các chính phủ số tiền bảo hiểm dựa trên số liệu về thiệt hại do thiên tai gây ra. Còn các hộ gia đình thì có thể lựa chọn một trong số những gói bảo hiểm được tạo ra để giúp người dân phần nào khắc phục những rủi ro do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, bảo hiểm hiệu quả nhất mà con người có thể đóng góp để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai là chấm dứt các hoạt động phá hoại môi trường, nỗ lực thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường và duy trì lối sống thân thiện với môi trường.