Áp lực môi trường từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

ThienNhien.Net – Trong thập niên qua, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi, tỷ lệ nghèo giảm đi một nửa, xuất khẩu tăng 20% và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng trunh bình 10% mỗi năm. Cùng với sự tăng trưởng về lượng, nền kinh tế Việt Nam cũng chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ về cơ cấu, từ nặng về nông – lâm – ngư nghiệp sang công nghiệp. Sự thay đổi này gắn với định hướng phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2006-2010, với mục tiêu đề ra là tăng trưởng công nghiệp 10%/năm, trong đó chú trọng các ngành chế biến chế tạo. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng nhanh của những ngành công nghiệp này đã đặt áp lực nặng nề lên môi trường và định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.

 
Sau gần 1 năm rưỡi tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát và phân tích số liệu, nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng thế giới phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp và Trung tâm Quốc tế về Quản lý Môi trường (ICEM) đã công bố bản báo cáo về tác động ô nhiễm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.
 
Báo cáo cho biết các ngành chế biến thực phẩm và đồ uống, may mặc, da và giả da, sản xuất các sản phẩm từ gỗ, kim loại và đồ gia dụng là những ngành công nghiệp quan trọng về mặt kinh tế, thu hút đến 65% lao động công nghiệp và chiếm 57% cơ sở công nghiệp trong cả nước. Phần lớn các hoạt động công nghiệp tập trung ở 5 tỉnh, thành phố là TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Hải Phòng.
 
Danh mục đen 
 
Đứng đầu danh mục ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gây ô nhiễm môi trường là ngành hóa chất, đặc biệt là ngành sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, dược phẩm và hóa chất công nghiệp.
 
Tiếp đó, các nhà máy chế biến kim loại (sắt, thép và kim loại màu) được xem là nguồn góp phần gây ô nhiễm quan trọng đứng thứ 2 sau ngành hóa chất. Các nhà máy sản xuất, định hình, xử lý, mạ và gia công cơ khí các loại kim loại, thậm chí cả ngành tái chế kim loại cũng được xếp vào nhóm 30 ngành có tải lượng ô nhiễm cao nhất cùng ngành công nghiệp giấy và bột giấy; sản phẩm gỗ và đồ nội thất.
 
Nghề thuộc da và sản xuất sản phẩm da, đặc biệt là giầy dép da là nhóm ngành công nghiệp có tải lượng ô nhiễm khá lớn.
 
Ngoài ra, các ngành sản xuất sản phẩm gốm, xi măng, đá vôi, thạch cao, mỡ và dầu động thực vật, xà phòng, bột giặt, thiết bị điện và lọc dầu cũng là những ngành có đặc tính dễ gây ô nhiễm.
 
Sản xuất phân bón và hợp chất nitơ cùng sản xuất giầy dép là những ngành gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất đối với môi trường không khí, đất và nước.
 
Tại Việt Nam, chế biến thủy hải sản là ngành có quy mô lớn và tải lượng ô nhiễm cao do mức độ tác động đến môi trường rất lớn.
 
Nguồn thải từ các ngành công nghiệp trên thường bao gồm bụi mịn (PM-10) và bụi lơ lửng tổng số (TSP)  – hiện đóng góp khoảng 19% tổng tải lượng ô nhiễm không khí. Còn chất rắn lơ lửng (TSS) “đóng góp” 86% tổng lượng chất thải gây ô nhiễm nước. Đó là chưa kể đến các hóa chất độc hại (như NH3, H2SO4, HCL…) và các kim loại nặng (như thủy ngân, chì, kẽm…)

 Biểu đồ ô nhiễm CN chế biến, chế tạo

 
Bản báo cáo cũng đã chỉ ra 10 tỉnh, thành (và các phường, xã tương ứng) có tải lượng ô nhiễm cao nhất. Theo danh sách này, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ. Tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung,́ Đà Nẵng là địa phương duy nhất “được” nêu danh.
 
Những tổn thất từ ô nhiễm môi trường
 
Qua các cuộc điều tra, nghiên cứu, đánh giá ô nhiễm gây ra bởi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam cho thấy ô nhiễm công nghiệp chủ yếu tập trung ở những vùng nhất định và phát sinh từ một số phân ngành nhất định. Chính vì thế mức độ ô nhiễm trở nên cục bộ.
 
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới và chính phủ nước láng giềng – Trung Quốc (tháng 03/2008), năm 2003, phí tổn kinh tế do ô nhiễm môi trường ở nước này vào khoảng 88 tỷ USD, chiếm 5,4% GDP. Trong đó phí tổn do ô nhiễm không khí chiếm 71% và ô nhiễm nguồn nước chiếm 29% (chưa tính đến phí tổn về đất và nước ngẩm).
 
Những tổn thất về môi trường ở Việt Nam không thể so sánh với Trung Quốc. Nhưng nếu giả sử tổn thất do ô nhiễm ở Việt Nam chiếm tỷ lệ so với GDP như ở Trung Quốc, tức 5,4%, thì với mức GDP 45 tỉ USD của năm 2004 (Theo Tổng cục Thống kê, 2006), tổn thất do ô nhiễm môi trường gây ra trong năm này sẽ vào khoảng 2,5 tỷ USD.
 
Những hy vọng
 
Cùng với sự hội nhập và phát triển của đất nước, nhằm tiến tới phát triển bền vững, môi trường đã đạt được nhiều sự quan tâm của Nhà nước từ việc ban hành luật, ra đời các Viện, các Cục, các Sở TNMT, Sở Khoa học và Công nghệ…nhằm cải tổ hệ thống quản lý và các chính sách về bảo vệ môi trường. Vào năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã chi 1% tổng ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường (Nghị quyết của Bộ Chính trị số 41-NQ/TW). Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án liên quan đến kiểm sóat ô nhiễm được đầu tư vào nước ta.
 
Hoạt động kiểm soát ô nhiễm và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên có mối quan hệ chặt chẽ. Do đó, khâu quản lý phải thống nhất, các chế tài, công cụ cần được điều chính và hoạt động có hiệu quả hơn để Việt Nam không phải là một Trung Quốc thứ 2 về ô nhiễm môi trường.
 


Báo cáo có tựa đề “Đánh giá và phân tích tác động ô nhiễm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở Việt Nam”. Quý vị độc giả có thể tải toàn văn báo cáo này từ website của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: www.worldbank.org.vn