Tội phạm môi trường – Vấn đề của hành tinh chúng ta

ThienNhien.Net – Tội phạm môi trường – một khái niệm còn mới mẻ đối với nhiều người trong chúng ta, nhưng những hành vi tội phạm này đã diễn ra từ khá lâu và vẫn đang còn tiếp diễn hàng ngày, hàng giờ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng là hệ lụy từ những hành vi thiếu suy nghĩ của con người đã gây hại đến môi trường. Đây không còn là vấn đề riêng ở mỗi quốc gia mà nó đã trở thành vấn đề nan giải của toàn hành tinh, đòi hỏi các quốc gia phải liên kết, hợp tác với nhau để chống lại loại tội phạm này.

Tội phạm môi trường là gì?

Tội phạm môi trường nhìn chung có thể được hiểu là những hành động phạm pháp trực tiếp gây hại đến môi trường. Những hành động này bao gồm: buôn bán động vật hoang dã trái phép, buôn bán chất khí gây thủng tầng ozone (ODS), kinh doanh trái phép các loại chất thải nguy hại, đánh bắt, khai thác tài nguyên trái phép và khai thác, buôn lậu gỗ.

Đó là những hành vi vi phạm các Hiệp ước quốc tế được thiết lập để hạn chế tình trạng buôn bán các chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường hay buôn lậu các loài động thực vật quý hiếm.

Tại đa số các quốc gia, tội phạm môi trường thường được coi là “không nghiêm trọng” và ít được đưa vào danh sách ưu tiên. Những loại tội phạm như thế này thường ít bị theo dõi chặt chẽ từ phía chính phủ và các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trong thực tế, đây lại là các nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Ví dụ như việc khai thác gỗ trái phép không chỉ làm mất đi sinh kế của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng, mà còn gây ra các vấn đề về hệ sinh thái như lũ lụt và biến đổi khí hậu. Việc buôn lậu các chất khí ODS như chất làm lạnh Chloroflorocarbon (CFCs) góp phần làm mỏng tầng ozone, gây ra các vấn đề về sức khoẻ như bệnh ung thư da và bệnh đục thuỷ tinh thể. 

 Được thành lập từ năm 1984, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và khu vực triệt phá một số đường dây tội phạm môi trường lớn, điển hình như:

– Khai thác gỗ trái phép ở Papua, Indonesia
Năm 2005, EIA đã triệt phá một trong những đường dây khai thác gỗ trái phép lớn nhất trong lịch sử. Đường dây xuyên quốc gia này đã buôn lậu 300.000 m3 gỗ quý hiếm, chủ yếu là loài merbau, thường được sử dụng để làm sàn gỗ cao cấp từ Papua, Indonesia sang Trung Quốc. Trị giá mỗi năm hơn 1 tỷ USD. Tham gia đường dây tội phạm này có cả các sỹ quan quân đội của Papua, các công ty khai thác gỗ ở Jakarta và Malaysia, các công ty vận tải, công ty tài liệu giả mạo tại Singapore và công ty môi giới gỗ ở Hồng Kông và Thượng Hải.

– Buôn lậu CFCs ở châu Âu
Năm 1997, vụ buôn lậu CFCs lớn nhất ở châu Âu đã được phát hiện. Một công ty đóng tại Đức đã gần như nhập khẩu thành công gần 1.000 tấn ODS (bao gồm CFCs) nếu như một tàu chở hàng không bị bắt giữ ở Hà Lan. Với nhãn mác và giấy tờ hải quan giả mạo, các hóa chất độc hại này có xuất xứ Trung Quốc, được vận chuyển tới các khách hàng ở châu Âu và châu Mỹ. EIA cho biết, Trung Quốc vẫn là nơi cung cấp nguồn CFCs lậu lớn nhất thế giới.

– Buôn bán vận chuyển da hổ, báo
Năm 2000, các nhà chức trách ở thị trấn phía Tây Khaga, Ấn Độ, đã bắt giữ được một khối lượng hàng lậu khổng lồ chưa từng thấy: 4 tấm da hổ, 70 bộ da báo, 18.000 bộ vuốt báo, 132 bộ vuốt hổ và 175 kg xương hổ. Theo phân tích của cơ quan luật pháp cho thấy, đây là đường dây buôn lậu có tố chức chặt chẽ hoạt động trên các quốc gia Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc và được liên kết với một vài tổ chức buôn lậu da thú lớn khác trên thế giới.

– Buôn lậu ngà voi từ Zambia
Giữa năm 2002, Singapore bắt giữ một chuyến hàng có chứa hơn 6 tấn ngà voi. Đây là số lượng ngà voi bị buôn lậu lớn nhất kể từ khi việc buôn bán ngà voi bị cấm từ năm 1989. Các cuộc điều tra của EIA đã chỉ ra rằng, lượng hàng này có xuất xứ từ Lilongwe ở Malawi. Nó có liên quan đến một tổ chức tội phạm chuyên buôn lậu ngà voi từ Zambia qua Malawi rồi qua cả Singapore và Hồng Kông. Đường dây này đã từng buôn bán ít nhất 19 khối hàng ngà voi bằng con đường tương tự.

Interpol quốc tế ước tính, con số tổn thất từ nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu ít nhất cũng tới 10 tỷ USD/năm, còn theo Ngân hàng Thế giới thiệt hại đến ngân sách nhà nước từ việc khai thác gỗ trái phép ở các quốc gia đang phát triển là 15 tỷ đô la. Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, khoảng 38.000 tấn chất làm lạnh CFCs đã được buôn bán trái phép hàng năm – tương đương 20% tổng thương mại thế giới và trị giá lên tới 500 triệu USD. Riêng năm 2006, có tới 14.000 tấn khí CFCs được buôn lậu ở các quốc gia đang phát triển.

Mặc dù con số thống kê có thể chưa đầy đủ và chính xác, song có một điều chắc chắn là tỷ lệ tội phạm môi trường đang ngày một tăng. Chúng đã và đang mở rộng hoạt động sang các loại hình tội phạm mới, tinh vi hơn và được tổ chức tốt hơn.

Tội phạm môi trường thường là những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Một tấm da hổ hay một chiếc ngà voi trải qua rất nhiều công đoạn từ tay người khai thác cho đến người tiêu thụ. Một cái cây bị khai thác trái phép có thể được chở đi vòng quanh thế giới từ những khu rừng rậm đến các nhà máy chế biến rồi được bán trên thị trường dưới hình thức một sản phẩm gỗ hoàn thiện. Trong thời đại tự do thương mại toàn cầu, sự thuận tiện của giao thông, vận chuyển hàng hoá và tiền tệ đã làm hoạt động của các tổ chức tội phạm môi trường ngày càng phát triển.

Các biện pháp trấn áp

Một số biện pháp đã và đang được thực hiện để tăng cường sự quản lý và ngăn chặn tội phạm môi trường:

– Thành lập những mạng lưới khu vực để tập trung vào các nhóm tội phạm môi trường riêng biệt. Ví dụ như Cơ quan tình báo Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (RILO) chuyên tập trung vào các vấn đề liên quan đến buôn lậu khí CFCs và chất thải nguy hại.

– Thành lập các đội đặc nhiệm chống tội phạm môi trường. Chẳng hạn như ở Mỹ, người ta đã thành lập một đội đặc nhiệm đa ngành để đấu tranh chống lại nạn buôn lậu khí CFCs. Đội đặc nhiệm này đã bắt giữ và buộc rất nhiều đường dây buôn lậu phải ra hầu tòa.

– Tăng cường các chính sách quản lý để nhằm nâng cao quyền hạn của các cơ quan quản lý.

– Tăng cường vai trò của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) và các Hiệp ước chống lại tham nhũng.

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường quản lý. Còn Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên Hiệp Quốc (CCPCJ) thì phải đề ra các chính sách có hiệu lực cao và đầu tư tài chính để đảm bảo cho các biện pháp sau đây được thi hành nghiêm túc.