Ưu tiên khai thác sử dụng nguồn nước mặt

ThienNhien.Net – Ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020. Với mục tiêu định hướng phát triển hợp lý hệ thống cấp nước đô thị của 3 vùng kinh tế trọng điểm này phù hợp với phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh, thành phố thuộc 3 vùng trên đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020.

Trong nội dung quy hoạch, tiêu chuẩn chất lượng nước sạch dùng để thiết kế các công trình xử lý nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt lấy theo tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006. Đến năm 2010, tổng nhu cầu sử dụng nước sạch (m3/ngày đêm) của cả 3 vùng kinh tế trọng điểm vào khoảng 7.021.800 m3 và sẽ tăng lên 12.020.000 m3 vào năm 2020.

Về nguồn nước, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sử dụng hợp lý nguồn nước ngầm có khả năng khai thác trên địa bàn. Ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn nước mặt từ các hồ chứa, các sông chính như: Sông Đà, sông Hồng, sông Thái Bình…

Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, việc khai thác nước ngầm trong khu vực là hạn chế. Nguồn khai thác chính từ các sông: Sông Hương, sông Yên, sông Túy Loan …và từ các hồ chứa nước tại chỗ.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có lượng nước ngầm dự trữ tương đối lớn và có thể khai thác tại Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh. Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ các hồ, sông, suối như: sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, hồ Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng…

Cũng theo Quy hoạch này, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Miếu Môn-Xuân Mai-Hòa Lạc-Sơn Tây sử dụng nguồn nước sông Đà với nhà máy nước mặt sông Đà 300.000 m3 /ngày đêm giai đoạn I, 600.000 m3 /ngày đêm giai đoạn II.

Hệ thống cấp nước vùng phía bắc sông Hồng sử dụng nguồn nước sông Hồng hoặc sông Đuống.

Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sẽ phát triển từng bước hệ thống cấp nước chung cho vùng theo từng giai đoạn. Giai đoạn đến năm 2010, phát triển và hoàn chỉnh một bước hệ thống cung cấp nước tập trung tại mỗi tỉnh, với mục tiêu là đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch tại địa phương.

Xây dựng và đấu nối các tuyến ống truyền dẫn nước sạch giữa các đô thị/khu vực trong phạm vi mỗi tỉnh, như các tuyến Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch hoặc Mỹ Xuân-Bà Rịa-Vũng Tàu. Tiến hành xây dựng và đấu nối các tuyến ống truyền dẫn nước sạch giữa các khu vực tiêu thụ chính của 2 tỉnh, thành phố liền kề với nhau.

Giai đoạn đến 2020, ngoài việc nghiên cứu xem xét xây dựng các công trình truyền dẫn đấu nối giữa các khu vực, còn nghiên cứu chuẩn bị xây dựng các nhà máy nước công suất lớn từ 1.000.000-3.000.000m3 /ngày đêm có tính chất liên tỉnh.