Có sự tham gia của cộng đồng, Đà Nẵng sạch hơn

ThienNhien.Net – Quản lí môi trường dựa vào cộng đồng là một trong những phương cách tiếp cận hướng tới phát triển bền vững. Trong những năm vừa qua Đà nẵng luôn là một hình mẫu tiêu biểu trong quá trình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

”Dự án đã thu hút được sự quan tâm và tập hợp rất nhiều lực lượng tham gia, số lượng rác thải trên địa bàn ngày càng được phân loại và thu gom đảm bảo vệ sinh môi trường. Tính tự giác của người dân trong việc thu gom rác thải cũng đạt đúng quy trình của các chuyên gia Nhật Bản đề ra. Dự án cũng đã tạo ra dược sự gắn kết chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư cũng như giữa các tổ dân phố”.

Đó là nhận xét của một thành viên thuộc Dự án “Quản lý môi trường đô thị có sự tham gia của cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng”, tại buổi tổng kết dự án, do Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng phối hợp với Đại học Kyoto (Nhật Bản) tổ chức ngày 08/09/2008

Dự án “Quản lý môi trường đô thị có sự tham gia của cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng” được thực hiện từ năm 2006 đến nay, với mục tiêu là nâng cao hiểu biết của người dân và học sinh về các vấn đề môi trường, khuyến khích người dân hành động bảo vệ môi trường và giảm thiểu các vấn đề môi trường.

Địa điểm thực hiện Dự án là tại phường Thuận Phước, thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian thực hiện dự án, các bên liên quan tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương, người dân và học sinh trong khu vực thiết lập các quy trình bảo vệ môi trường; lắp đặt mạng lưới thu rác thải rắn nhằm tính toán số lượng rác thải rắn trên sông; đo lượng mức độ ô nhiễm môi trường nước…

Thời gian tới, Dự án tiếp tục được triển khai tại 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố, góp phần đạt mục tiêu Đà Nẵng trở thành “Thành phố Môi trường” vào năm 2020.