Khu công nghệ cao Hòa Lạc – thành phố khoa học

ThienNhien.Net – Ngày 28/08/2008, tại Hà Nội, Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc (Bộ Khoa học-Công nghệ) đã tổ chức Lễ công bố quy hoạch tổng thể KCNC Hòa Lạc. Quy hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/05/2008, có tổng diện tích 1.586 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất (Hà Nội).

Theo quy hoạch tổng thể, Khu công nghệ cao Hoà Lạc sẽ được xây dựng thành một đô thị công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, với 10 khu chức năng gồm: các khu liên quan đến phần mềm, nghiên cứu triển khai, công nghiệp và công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, trung tâm, dịch vụ tổng hợp, khu nhà ở kết hợp văn phòng, chung cư, tiện ích, giải trí và thể dục thể thao.

Diện tích đất còn lại được quy hoạch phát triển không gian, đất hồ và vùng đệm, đất cây xanh để bố trí và bảo tồn cảnh quan tự nhiên, giữ gìn không khí trong lành cho toàn khu. Đồng thời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng được xây dựng với hệ thống giao thông, liên lạc đường bộ, đường sắt và đường thủy. Về quy mô dân số, dự báo đến năm 2015 có khoảng 143.508 người và đến năm 2020 có 229 nghìn người, trong đó dân số thường trú là 99.300 người.

Chủ trương của Chính phủ hình thành khu CNC Hoà Lạc đã xác định: Khu công nghệ này có vai trò và trọng trách hết sức quan trọng trong sự phát triển quốc gia, thực hiện nhiệm vụ nhanh chóng phát triển ngành công nghệ cao Việt Nam tiến kịp các nước, tập trung nguồn lực công nghệ và tài chính vào các lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghệ.

TS. Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, cho biết: “Chúng tôi muốn tạo dựng một thành phố khoa học công nghệ có các điều kiện ăn ở đầy đủ và hiện đại nhất khu vực miền Bắc. So với quy hoạch cũ, Hòa Lạc mới đặt nhiệm vụ quan trọng nhất là nghiên cứu triển khai, là nơi tập trung các viện nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, trong khi yếu tố này trước đây rất mờ nhạt và không cụ thể. Đây là điểm khác biệt chính”.

Hiện tại đã có 18 viện và trung tâm nghiên cứu đăng ký xây dựng trụ sở tại đây, và ước tính sẽ có ít nhất 30 đơn vị đăng ký. Một điều chỉnh nữa so với quy hoạch cũ là Hòa Lạc sẽ có riêng một khu đào tạo nhân lực, điều trước kia chưa được đề cập tới hoặc không rõ ràng. Tới nay đã có hai trường đại học đặt trụ sở, gồm Đại học FPT và Đại học khoa học công nghệ Hà Nội (do Viện Khoa học Việt Nam là chủ đầu tư), với mục tiêu trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Hòa Lạc mới cũng sẽ có công viên phần mềm – là nơi nghiên cứu, sản xuất và gia công phần mềm – cũng như có các chung cư và biệt thự cho những người sống và làm việc ở đây, điều chưa từng có trong các khu công nghiệp khác.

Ngoài hạ tầng cơ sở đồng bộ và hiện đại, chính sách một cửa một dấu, các nhà đầu tư vào khu công nghệ này còn được ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện nay, như miễn thuế 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, chỉ phải nộp 10% trong 15 năm đầu tiên chịu thuế… Điều duy nhất khiến các nhà đầu tư còn e dè là hạ tầng nối từ Hà Nội lên chưa hoàn chỉnh. Dự kiến sau 2010, đường cao tốc Láng – Hòa Lạc được mở rộng sẽ hoàn thành, đồng bộ với hệ thống điện, nước, cáp…

Vài năm gần đây, hoạt động đầu tư đang diễn ra khá sôi động tại khu CNC Hòa Lạc. Ban Quản lý khu CNC Hoà Lạc đã chủ động lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng, trực tiếp tiếp cận và đưa lời mời đầu tư.

Nhân dịp này, Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin – truyền thông, thỏa thuận đầu tư với Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư mới là Công ty Công nghệ FC và Công ty MISA. Đến thời điểm này, Ban quản lý KCNCHL đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn đăng ký 587 triệu USD.

Tính đến nay, Ban quản lý đã cấp phép cho 28 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 587 triệu USD, bước đầu có một số nhà máy hoạt động, sản xuất ra các loại sản phẩm như chip điện tử, cáp quang, pin năng lượng mặt trời, đèn led, thiết bị cơ khí chính xác…