Các quốc gia và công ty châu Âu cam kết cắt giảm rác thải nhựa

13 quốc gia và hàng chục công ty châu Âu mới đây đã cam kết sử dụng ít nhựa và tăng cường tái chế hơn.

Theo ước tính, thế giới đã sản xuất hơn 8,3 tỷ tấn nhựa nhưng chỉ 9% trong số này được tái chế.

Hà Lan, Pháp và Đan Mạch đã dẫn đầu Hiệp định Nhựa Châu Âu, cùng với các thành viên là 2 trong số 3 khu vực của Bỉ và hàng loạt công ty, bao gồm công ty hóa chất Henkel của Đức và  công ty lọc dầu Neste Oil (Phần Lan).

Những thành viên cam kết tái sử dụng và tái chế bao bì nhựa vào năm 2025, đồng thời tăng khả năng thu gom, phân loại và tái chế nhựa lên 25 điểm phần trăm.

Các thành viên cũng đặt mục tiêu sản xuất nhựa nguyên chất ít hơn 20% – nghĩa là nhựa mới được sản xuất có chứa vật liệu tái chế – vào năm 2025. Các công ty sẽ hướng đến việc sử dụng ít nhất 30% nhựa tái chế trong các sản phẩm và bao bì của họ vào năm 2025.

“Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, chúng ta cần có cái nhìn xa hơn từ năng lượng đến vật liệu. Chúng ta cần coi nhựa là nguyên liệu thô quý giá và không được xả rác thải nhựa vào đại dương”, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng Hà Lan Stientje van Veldhoven cho biết.

Theo Delphine Levi Alvares thuộc tổ chức môi trường Zero Waste Europe, cam kết hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và không bao giờ được coi là sự thay thế cho các biện pháp điều chỉnh đầy tham vọng đối với nhựa và bao bì sử dụng một lần.

Nhằm ngăn chặn xả rác thải nhựa ra môi trường, EU sẽ cấm ống hút nhựa dùng một lần, dao kéo và đĩa nhựa vào năm 2021. Trong tuần này, EU sẽ công bố kế hoạch kinh tế tuần hoàn của thế giới để cắt giảm rác thải nhựa trong các ngành sản xuất nhựa và xây dựng.

Các nhà nghiên cứu ước tính thế giới đã sản xuất hơn 8,3 tỷ tấn nhựa nhưng chỉ 9% trong số này được tái chế, 79% lượng rác thải nhựa này đang bị chôn vùi trong các bãi rác hoặc môi trường tự nhiên và phần còn lại bị thiêu hủy.