Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải

ThienNhien.Net – Chiều 14/08, tại Hà Nội, chủ trì cuộc họp về Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ trong nước, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh việc thí điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, tìm mô hình tối ưu để sớm phê duyệt chương trình tổng thể về xử lý rác trên địa bàn cả nước.

Hiện tại, cả nước có trên 740 đô thị, cùng với các khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở cả hai khu vực đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, các đô thị hiện đang đứng trước khó khăn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Cho đến nay, tất cả các địa phương trên cả nước đều đang sử dụng biện pháp chôn lấp, trong đó có tới 85-90% là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi mùi và nước rỉ rác.

Theo thống kê, số lượng rác thải ra hàng ngày tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trên 6000 tấn, thủ đô Hà Nội là trên 3500 tấn. Các đô thị khác tính bình quân là 0,7kg/người/ngày và số lượng rác thải ra ở các đô thị ngày càng có xu hướng nhiều lên. Công tác xử lý rác thải đang là vấn đề lớn.

Ngoài biện pháp chôn lấp, chỉ có một số ít địa phương như: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương…, đã và đang xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nhưng phần lớn sử dụng công nghệ nước ngoài chưa phù hợp với đặc điểm rác không được phân loại tại nguồn ở Việt Nam nên mới chỉ xử lý được chất hữu cơ. Tỉ lệ rác phải tiếp tục chôn lấp vẫn còn lớn và suất đầu tư cao.

Như vậy, các công nghệ xử lý rác thải trên đều chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay là rác thải được xử lý triệt để, tiết kiệm đất và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khi đó, các công nghệ được nghiên cứu trong nước về xử lý rác như ANSINH-ASC (Công ty cổ phần đầu tư Tân Sinh Nghĩa), SERAPHIN (Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin) và gần đây là công nghệ MBT-CD.08 mới được triển khai với hai dự án ở TP Sơn Tây (Hà Nội) và TP Huế (Thừa Thiên – Huế), đã đáp ứng được các yêu cầu nói trên.

Trên cơ sở các công nghệ đã được cấp giấy chứng nhận và thực tế tình hình xử lý chất thải rắn cũng như việc tiếp tục có những nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này ở Việt Nam và tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ liên quan, mới đây Bộ Xây dựng đã hoàn thành nội dung “Chương trình đầu tư các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận cho các địa phương trong cả nước”

Chương trình đề xuất mỗi tỉnh, thành trực thuộc Trung Ương sẽ được đầu tư xây dựng một nhà máy, dự kiến thực hiện trong 5 năm (2009-2013) với thời gian xây dựng nhà máy trong 2 năm. Tổng kinh phí thực hiện các dự án đầu tư là 4772 tỉ đồng. Trong đó, nguòn vốn từ ngân sách Trung Ương chiếm 40%, ngân sách địa phương là 10% và vốn vay ngân hàng phát triển là 50%.

Để tạo điều kiện hoàn thiện và triển khai, áp dụng các công nghệ xử lý rác thải hiện đại, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai thí điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác áp dụng công nghệ mở. Bên cạnh đó tiến hành đánh giá các dự án hiện đang triển khai, đề xuất kiến nghị để các dự án hoạt động hiệu quả./.