Bể lọc sinh học nhỏ giọt – giải pháp hữu hiệu xử lý nước thải chăn nuôi

ThienNhien.Net – Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Khoa học – Công nghệ Vĩnh Phúc vừa nghiên cứu ứng dụng thành công biện pháp xử lý nước thải chăn nuôi Biogas bằng công nghệ bể lọc sinh học nhỏ giọt. Nước thải sau xử lý sạch hơn tiêu chuẩn Việt Nam cho phép, hàm lượng chất rắn lơ lửng giảm còn 113mg/l (so với tiêu chuẩn cho phép là 200mg), hàm lượng COD nguy hại giảm còn 298 mg/l ( tiêu chuẩn cho phép là 400mg/l). Nước thải có thể xả trực tiếp mà không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Với phương pháp đưa nước thải Biogas hoặc nước thải chăn nuôi về bể thu gom, trong bể lắp hệ thống máy khuấy để tăng cường tiếp xúc, nâng cao hiệu suất phản ứng. Nước thải để lưu trong bể từ 60-80h nhằm hạn chế phát tán mùi và giảm các chất nitơ và phốtpho.

Sau đó nước thải được đưa sang ngăn lắng để giữ lại bùn vi sinh, phần nước trong được bơm lên bể lọc sinh học nhỏ giọt. Nguồn nước này sẽ được tuần hoàn về bể phân hủy hiếu khí để tăng cường khả năng loại bỏ các hợp chất nguy hại, tiếp tục đưa sang ao sinh học và thải ra môi trường. Đặc biệt bùn vi sinh được tận dụng bón cho cây trồng hiệu quả, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sạch.

Ông Vũ Mạnh Tiến, chủ nhiệm đề tài cho biết, nghiên cứu đã áp dụng thành công tại trang trại chăn nuôi gia đình ông Trần Văn Thành tại thôn Đông Hưng, phường Đồng Tâm (TP. Vĩnh Yên), với quy mô chăn nuôi từ 700-1.000 con. Tổng chi phí đầu tư xây dựng hệ thống bể lọc sinh học nhỏ giọt 17,2 triệu đồng, trong đó xây dựng cơ bản 13 triệu, máy bơm 2,5 triệu, máy khuấy 1 triệu.

Nguyên liệu lọc có thể tận dụng cát, sỏi, đá hoặc plastic, sử dụng với lưu lượng khác nhau để điều chỉnh vận tốc lọc nhanh, chậm, trung bình, cao tốc theo ý muốn. Hệ thống bể lọc này có thể xứ lý với công suất từ 3-5 m3/ngày đêm. Chi phí đầu tư không cao, rất phù hợp với quy mô chăn nuôi hiện nay của người dân.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có trên 6,6 triệu gia súc gia cầm, trên 5,8 triệu con gia cầm, mỗi năm số gia súc gia cầm này thải ra môi trường từ 75-85 triệu tấn phân. Lượng phân này không qua bất kỳ một biện pháp xử lý nào, thải thẳng ra môi trường xung quanh làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều hộ xây dựng hầm biogas nhưng nước thải vẫn còn hàm lượng COD nguy hại cao gấp 20 lần so với tiêu chuẩn cho phép, trong đó chứa 4.025 trứng giun/500ml, vi khuẩn trong không khí nơi có chất thải cao gấp 40 lần.