Đà Nẵng: Thu hồi đất để…“treo”

Hơn 10 năm thực hiện chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị, TP Đà Nẵng đã làm nên diện mạo mới của một đô thị trẻ trung. Nhưng đằng sau những con phố mới vẫn còn hàng ngàn hộ dân lâm vào cảnh khốn khó

Mười năm qua, “cơn lốc” đô thị hóa đã có hơn 80.000 hộ dân ở Đà Nẵng bị biến động bởi việc giải tỏa đền bù. Trong đó có hơn 20.000 hộ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, với trên 1.900 ha để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị.

An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Đà Nẵng là địa phương có diện tích đất nông nghiệp giảm rất nhanh, do quá trình đô thị hóa. Theo điều tra của Hội Nông dân TP Đà Nẵng, đến tháng 06/2007, toàn TP đã có 10.946 hộ nông dân giao đất sản xuất cho chính quyền địa phương, với tổng diện tích hơn 2.090 ha, trong đó có 4.498 hộ phải chuyển chỗ ở.

“Nhiều nông dân không còn đất sản xuất nhưng chưa tìm được việc làm hoặc không thể chuyển đổi ngành nghề là thực trạng đáng báo động” – một cán bộ Hội Nông dân TP Đà Nẵng cảnh báo. Vì vậy, rất nhiều hộ nông dân diện tái định cư phải đối diện với cuộc sống khó khăn.

Ông Đoàn Ngọc Vui, Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam, cho biết: “Cả phường có đến 300 hộ nông dân không còn đất sản xuất, nhưng rất ít trong số này tìm được việc làm có thu nhập ổn định. Hàng chục hộ vì không có đất sản xuất phải vào tận Hòa Tiến, Hòa Xuân, Hội An (Quảng Nam) thuê đất để trồng trọt”.

Tại phường Hòa Minh (Liên Chiểu), diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để triển khai dự án, xây dựng khu dân cư, cơ sở hạ tầng được xếp vào diện lớn nhất TP, với 80% đất nông nghiệp. Đáng nói là trong số đó có hàng trăm héc-ta bị thu hồi nhưng không triển khai dự án, để cỏ mọc hoang, trong khi người dân tha thiết có nhu cầu đất sản xuất. Điển hình như 150 ha đất nông nghiệp thuộc khu Hòa Phú 1, TP thu hồi của dân để triển khai khu đô thị Tây Bắc nhưng đến nay vẫn chỉ là dự án “treo”. Người dân, kể cả chính quyền phường Hòa Minh, liên tục đề nghị giải quyết nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Dân nghèo tự cứu

Theo UBND phường Hòa Minh, 10 năm tái định cư, phường Hòa Minh bị mất 300 ha đất nông nghiệp, còn 70 ha cũng đang trong diện quy hoạch. Hiện tại khu dân cư Hòa Phú 1, tận dụng khoảng 10 ha đất trống trong dự án khu đô thị mới Tây Bắc đang “treo”, một số nông dân trở lại trồng 8 ha rau muống và 2 ha hoa, quả các loại, thu nhập cũng được 50.000-60.000 đồng/ngày.

Người dân ở Phước Mỹ thuộc địa phận phường An Hải Bắc cũng tận dụng những thửa đất đã giao nhưng chủ đầu tư chưa sử dụng để trồng hoa đắp đổi qua ngày, mặc dù công sức cải tạo đất không phải là nhỏ. Nông dân An Hải Tây cũng tự cứu mình trên những rẻo đất nhỏ này.

Hiện nay nghề trồng rau mầm cải ngắn ngày, thu hồi vốn nhanh đang được các hộ An Hải Tây trồng dọc theo những thửa đất còn sót lại ở đầu đường Trần Hưng Đạo nối dài. Còn đề án “quy hoạch và bố trí 3-4 vùng chuyên canh rau sạch (30-50 ha/vùng) tại quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang” nhằm giải quyết việc làm cho nông dân không đất sản xuất, không điều kiện chuyển đổi nghề, tạo nguồn thực phẩm an toàn, vùng du lịch sinh thái… hiện vẫn còn nằm trên giấy.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh nói: “Bây giờ nếu chuẩn thoát nghèo được nâng lên thì chắc chắn nhiều hộ dân tái định cư phường Hòa Minh sẽ trở lại danh sách hộ nghèo, chứ không phải 231 hộ như hiện tại”. Gần đây nhất, dịp Tết vừa rồi, gạo cứu tế cho phường Hòa Minh chiếm 1/3 (59 tấn) trong tổng số gạo cấp cho toàn quận Liên Chiểu.